Mới đây, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, mua bán người luôn là vấn đề nóng, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Mặc dù nạn nhân của mua bán người có thể là bất cứ ai, nhưng một thực tế là phụ nữ và trẻ em gái luôn chiếm đa số.
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người của Bộ Công an cho biết: Từ năm 2012 đến tháng 2/2023, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh khoảng 10.000 trường hợp, trong đó xác định 7.962 người là nạn nhân (phụ nữ, trẻ em chiếm khoảng 90%).
Công tác phòng, chống mua bán người thời gian qua ở Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết quốc tế góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng chống tội phạm mua bán người.
Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của hậu dịch bệnh Covid-19, nhu cầu việc làm tăng cao... là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân để lừa bán, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ.
Hiện nay, Luật Phòng, chống mua bán người đang trong quá trình sửa đổi do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và được đưa vào thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV.
Qua thực tiễn triển khai công tác phòng, chống mua bán người những năm qua cũng như tham gia nghiên cứu hồ sơ dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận thấy, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã có nhiều tiếp thu sửa đổi, nhất là những nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, vẫn còn có những vấn đề giới cần tiếp tục được nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và hoàn thiện tại dự thảo.
“Việc hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán bán người cần bảo đảm lồng ghép giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong tất cả các thời điểm, giai đoạn từ phòng ngừa, phát hiện, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân hiệu quả”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho hay.
Tán thành phương pháp tiếp cận vấn đề giới, lồng ghép giới trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), song ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, trước thực trạng tội phạm mua bán người xảy ra ở nước ta thì việc lồng ghép biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới chỉ tập trung vào hai nhóm vấn đề như Chính phủ lựa chọn là chưa tương xứng với tình hình.
Thực tế, nạn nhân các vụ mua bán người gần đây đã có cả nam giới, nhưng xét trên tổng thể toàn bộ quá trình xử lý vấn đề nạn nhân các vụ mua bán người, sau khi được giải cứu, hỗ trợ về lại với gia đình, cộng đồng, so với nạn nhân nam giới, nạn nhân là nữ giới, trẻ em sẽ khó hòa nhập cộng đồng hơn, dễ trở thành “nạn nhân mới” của sự kỳ thị, phân biệt đối xử do chính gia đình, cộng đồng mà họ đang sống. Do đó, dự thảo Luật cần được nghiên cứu, bổ sung thêm một số biện pháp cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân vụ mua bán người là phụ nữ và trẻ em.
Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho rằng, trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em về tội phạm mua bán người.
Thượng tá Khổng Ngọc Oanh cho biết, chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em là bó hẹp phạm vi tuyên truyền của các cấp Hội. Vì vậy, ông đề xuất bổ sung thêm từ “cộng đồng”, đầy đủ sẽ là “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ, trẻ em, cộng đồng về tội phạm mua bán người”.
Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho rằng, tại Điều 53 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được giao “Chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thuộc phạm vi quản lý; nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình” (Khoản 4).
Trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, Hội đã tham gia với vai trò chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Trong khi đó, mua bán người cũng là tội phạm liên quan đến vấn đề giới và là một hình thức của bạo lực trên cơ sở giới cho nên việc quy định trách nhiệm của Hội trong vận hành cơ sở hỗ trợ nạn nhân mua bán người là cần thiết.
Do đó, việc bổ sung trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về vận hành cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cơ sở pháp lý cho Hội thực hiện chức năng bảo vệ phụ nữ, trẻ em quy định tại Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật khác, đóng góp vào trách nhiệm chung của xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người nói riêng và công tác bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới nói chung.
Trước mắt, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ hoàn thiện văn bản soạn thảo để gửi tới các cơ quan có thẩm quyền. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm và nghiên cứu từ các chuyên gia để dự án Luật không chỉ được thông qua mà còn áp dụng hiệu quả nhất trong thực tiễn.
Thanh Hải