Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, đến nay, tỉnh có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích hơn 10.962 ha.
Về dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, trong 9 tháng năm 2022, tỉnh thu hút được nguồn vốn trong nước là hơn 10.133 tỷ đồng, tăng 297,04% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 921,21% kế hoạch năm 2022; nguồn vốn nước ngoài là 2,45 tỷ USD, tăng 63,23% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 204,46% kế hoạch năm 2022.
Hình thức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp tại Bình Dương đa dạng và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đặc biệt, Bình Dương không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, mà đầu tư xây dựng theo hướng phát huy nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, trong đó khu vực kinh tế có vốn nhà nước là chủ yếu.
Trong các khu công nghiệp đã thành lập có 2 khu công nghiệp do doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 6.816 tỷ đồng, 3 khu công nghiệp liên doanh với vốn đầu tư 11.581 tỷ đồng. Các khu công nghiệp còn lại do tổ chức kinh tế trong nước làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 14.406 tỷ đồng. Tỉnh đang xây dựng Khu công nghiệp Khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới.
So với cả nước, Bình Dương hiện chiếm 9% về số lượng và 13% về diện tích khu công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch 33 khu công nghiệp với tổng diện tích 15.790 ha.
Hiện tại, 29 khu công nghiệp đã thành lập có tổng diện tích hơn 12.662 ha, trong đó 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962 ha, 2 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư (Khu công nghiệp VSIP III và Khu công nghiệp Cây Trường), với tổng diện tích 1.700 ha. Cùng với đó, tỉnh sẽ quy hoạch lại các khu công nghiệp hiện hữu để tăng hiệu quả sử dụng đất.
9 tháng năm 2022, mặc dù kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng 8,6%. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao trong tổng số giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Trong đó, các khu công nghiệp đóng vai trò nòng cốt.
Theo ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, hiện nay Bình Dương đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chú trọng thu hút các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế.
Các khu công nghiệp trong tỉnh cũng đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, thông minh và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Trung Tín cho biết thêm, giai đoạn tới, việc xây dựng phát triển các khu công nghiệp của tỉnh sẽ chuyên sâu hơn. Trong năm 2020 - 2025, tập trung triển khai thành lập Khu công nghiệp Khoa học và công nghệ với diện tích 400 ha tại huyện Bàu Bàng. Đồng thời nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Còn theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương, lợi thế vượt trội của Bình Dương so với các địa phương khác chính là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp có tính kết nối liên vùng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông nhấn mạnh, Bình Dương hiện đang tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác, khai thác thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chủ động đón dòng vốn đầu tư mới. Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các khu công nghiệp bền vững với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Nguyễn Hải