"Ở trong nhiều bộ phim của Hàn Quốc, hình ảnh người mẹ chồng thường khó tính, yêu chiều con trai nhưng khắt khe với con dâu. Ngày nghe tin tôi có bạn trai người Hàn, bố mẹ đẻ vô cùng lo lắng.
Mẹ tôi thường xuyên đọc tin tức về những nàng dâu Việt bị nhà chồng xa lánh hay thậm chí bạo hành. Mẹ kiên quyết ngăn cản, không cho tôi kết hôn xa, nhất là ra nước ngoài làm dâu", chị Nguyễn Nhung (36 tuổi, quê Thái Nguyên, đang sống tại Hàn Quốc) chia sẻ.
"Nhưng 8 năm kể từ khi kết hôn, sự lo lắng của mẹ tôi đã hoàn toàn tan biến. Mẹ hay nói, mẹ chồng tôi thương con dâu hơn con đẻ, chẳng giống những bà mẹ chồng khó tính trong phim. Dù sống ở hai đất nước khác nhau nhưng mỗi năm hai bà thông gia vẫn sum vầy ít nhất một lần, thân thiết vô cùng", chị Nhung kể.
Bén duyên trong tour du lịch Nam Bộ
Chị Nhung và ông xã Kang Wonmin (tên tiếng Anh là David, SN 1976) quen nhau trong một tour du lịch các tỉnh Nam Bộ. Chuyến đi đó, ngoài chị và 2 em trai là người Việt, còn lại đều là người nước ngoài. Em trai chị Nhung được xếp ngồi cạnh anh David.
"Trên quãng đường dài, họ nói chuyện qua lại với nhau. Cứ khúc nào không hiểu, em trai lại nhờ tôi phiên dịch bằng tiếng Anh. Tôi và anh David khá bất ngờ khi biết đối phương cũng từng du học ở Australia như mình", chị Nhung kể.
Hai du khách xa lạ vì điểm chung trên mà nhanh chóng "bắt sóng". Họ nói chuyện hợp tới mức người hướng dẫn viên nhầm tưởng họ là một đôi. "Sau này anh David mới tâm sự, lúc gặp tôi, anh đã rung động. Sau chuyến đi, anh lấy lý do gửi hình ảnh để xin thông tin liên lạc. Tôi thấy ngại nên chỉ đưa địa chỉ email", chị nhớ lại.
Thời gian sau đó, anh David bay sang Việt Nam nhiều lần để tìm gặp chị Nhung. Tuy nhiên, vì đã có công việc ổn định tại Việt Nam và không muốn xa gia đình, chị Nhung 2 lần nói lời từ chối. "Anh David khá sốc nên có khoảng thời gian gần một năm, anh không liên lạc với tôi. Mọi chuyện tưởng như dừng ở đấy", chị kể.
Năm 2015, sau một số biến cố, chị Nhung rời TPHCM, trở về Hà Nội sống và làm việc. Khoảng thời gian này, chị gặp những vấn đề về tâm lý.
Không hiểu do "thần giao cách cảm" hay sự trùng hợp ngẫu nhiên, anh David quay lại tìm chị. Anh trò chuyện, tâm sự và đưa ra những lời khuyên chân thành, giúp chị Nhung vượt qua cơn khủng hoảng. Chính thời gian này, trái tim cô gái Việt đã rung động.
Sau đó ít lâu, chị Nhung chính thức nhận lời yêu anh David. Lo sợ bố mẹ ngăn cản, chị Nhung giấu chuyện tình cảm "kín như bưng". Bố mẹ chị từng nhiều lần nhắc nhở con gái, không muốn con lấy chồng xa, nhất là định cư ở nước ngoài.
Thời gian yêu nhau, chị Nhung thường sang Hàn Quốc vừa du lịch vừa kết hợp gặp người yêu. Đầu năm 2016, anh David ngỏ lời mời chị tới thăm gia đình mình. Chị Nhung đầy lo lắng vì thực tế, chị cũng "ám ảnh" cảnh mẹ chồng nàng dâu trên phim, thêm vào đó, chị chưa biết tiếng Hàn, rất khó giao tiếp với gia đình bạn trai.
"Ngày tôi ra sân bay, chuẩn bị đến giờ khởi hành, mẹ bỗng nhiên gọi điện. Dường như mẹ có linh cảm gì đó nên không muốn tôi qua Hàn Quốc, yêu cầu lập tức về nhà. Lúc ấy tôi chỉ còn cách xin mẹ: 'Hãy để con đi tìm câu trả lời cho chính trái tim con'", chị Nhung nhớ lại.
Mẹ chồng Hàn "tung chiêu" thuyết phục thông gia Việt
Khi chị Nhung tới Hàn Quốc, anh David dẫn chị tới gặp bố mẹ và vợ chồng em trai. Trên chuyến xe, chị Nhung hồi hộp vô cùng. Nhưng vừa gặp mặt bố mẹ bạn trai, cô gái Việt đã có cảm giác gần gũi, ấm áp.
Bố anh David là một nhà giáo về hưu, nhìn ông đứng đắn, nghiêm túc nhưng nói chuyện lại hài hước. Mẹ anh - bà Lee, khi ấy đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn trẻ trung, gương mặt phúc hậu. Ông bà có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản, nên chị Nhung bớt e ngại.
Vợ chồng em trai anh David đều du học và sống ở New Zealand nên nói tiếng Anh thành thạo. Em dâu người New Zealand gốc Hàn nhiệt tình phiên dịch, giúp cuộc gặp gỡ trở nên rôm rả, vui vẻ.
"Em dâu tôi nói, thấy anh David dẫn tôi về ra mắt, mẹ anh vui tới mức không ăn nổi", chị Nhung kể.
Cuộc gặp gỡ ở xứ Hàn diễn ra suôn sẻ, nhưng ngày chị Nhung trở về Việt Nam lại là ngày "bão táp đổ tới". Biết con gái yêu bạn trai người Hàn Quốc, mẹ chị kiên quyết không đồng ý. Các dì kể với chị Nhung rằng, mẹ chị khóc suốt.
Bà lo ngại con gái đi lấy chồng xa thì "bố mẹ mất con", cộng thêm rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa với gia đình chồng, chị Nhung khó có thể hạnh phúc.
"Lúc anh David tới thăm nhà, anh không hiểu những gì bố mẹ tôi nói nhưng nhìn mẹ tôi khóc sưng mắt, mắt tôi cũng đỏ hoe, anh biết gia đình đang phản đối mối quan hệ", chị Nhung kể.
Anh David rất bình tĩnh. Anh xin phép một tháng sau được đưa bố mẹ tới thăm nhà chị Nhung.
Nghe con trai kể về cuộc gặp đầu tiên với gia đình bạn gái, bà Lee càng quyết tâm sang Việt Nam sớm. Bà dành cả tuần để chuẩn bị quà cho thông gia tương lai, tập dượt bài phát biểu. Bà Lee nhờ các con lên mạng tìm hiểu và dạy mình một số câu giao tiếp tiếng Việt cơ bản.
Ngày đến Việt Nam, bà Lee gặp gỡ bố mẹ chị Nhung, chia sẻ rất chân tình. Bà xúc động nói, nhất định sẽ coi con dâu như con gái, không để con thiệt thòi khi sống xa quê hương.
"Tôi có nhờ một người em làm phiên dịch giúp hai mẹ. Thông qua phiên dịch và nhất là biểu cảm chân thành của mẹ chồng tôi, mẹ tôi dường như trút được nỗi lo. Lúc chia tay, hai bà ôm nhau, mắt đỏ hoe", chị Nhung kể.
Mẹ chị Nhung cũng an tâm hơn khi trực tiếp thấy bà thông gia tương lai gần gũi, thân thiết với con dâu thứ hai.
Sau đó không lâu, vợ chồng chị Nhung làm đám cưới ở hai quốc gia. Bà Lee một lần nữa "ghi điểm" với thông gia khi tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, phong tục đám cưới Việt Nam. Bà sang Việt Nam, mang theo dụng cụ để đo Hanbok cho thông gia rồi đưa con dâu qua Hàn Quốc chọn váy cưới.
Mỗi món quà bà gửi tặng con dâu đều viết kèm những lời cảm động.
Sau đám cưới, chị Nhung vẫn tiếp tục ở Việt Nam để làm việc. Lúc này, chị cũng biết tin có bầu. Mẹ chồng thường xuyên gọi điện qua thăm hỏi, động viên con dâu.
“Khi con được 8 tháng tuổi, nhận thấy con phải xa bố sẽ thiệt thòi, tôi quyết định nghỉ công việc yêu thích, gắn bó suốt 4 năm để sang Hàn Quốc định cư. Ở Hàn Quốc, việc thuê người giúp việc không hề đơn giản.
Giai đoạn này, mẹ chồng đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Bà vừa ở bên động viên, giúp tôi vượt qua nỗi buồn xa nhà, xa công việc, vừa tự tay làm đồ ăn, lái xe hơn 10km mang sang bồi bổ cho con, cháu. Tôi ở Hàn Quốc đã 8 năm nhưng chưa biết nấu món Hàn nào, bởi mẹ chồng lo cho hết", chị Nhung tâm sự.
U70 vẫn lái ô tô đi du lịch cùng con
Theo chị Nhung, mẹ chồng chị rất tân tiến. Bà không sống chung và không can thiệp vào cách nuôi con của vợ chồng chị.
Thông thường, phụ nữ Hàn Quốc sau khi kết hôn sẽ ở nhà nội trợ. Tuy nhiên, vốn là cô gái năng động, từng học và làm trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế, chị Nhung sắp xếp thời gian để vừa nuôi con nhỏ vừa học tiếng Hàn, kết hợp kinh doanh online. Bố mẹ chồng rất ủng hộ nàng dâu Việt.
Khi cháu nội 2 tuổi, hàng ngày, ông nội sang đưa - đón cháu đến trường để chị Nhung yên tâm đi học.
Năm 2019, chị Nhung mở công ty riêng, chuyên xuất nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm chức năng, thiết bị y tế. Đây cũng là lĩnh vực chồng chị đang công tác nên có nhiều kinh nghiệm, mối quan hệ, dễ dàng hỗ trợ vợ.
Thời điểm này, bà Lee chính thức về hưu, ngừng kinh doanh quán ăn. Biết con dâu thường phải đi tới các nhà máy ở xa thành phố từ sáng sớm tới tối muộn nên mỗi ngày, bà lái ô tô sang đưa đón, phụ các con chăm sóc cháu nội, nấu ăn cho các con.
"Nếu không có bố mẹ chồng, tôi không biết phải xoay xở thế nào để vừa chăm con vừa kinh doanh. Có khi tối muộn, về tới nhà, thấy con đang vui chơi với ông bà, mâm cơm ấm nóng đầy ắp thức ăn, tôi đỏ hoe mắt", chị Nhung xúc động.
Theo nàng dâu Việt, chồng chị đôi khi khô khan với bố mẹ. Khi về làm dâu, chị coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ. Chị thường xuyên tìm kiếm những món quà nhỏ hay tổ chức chuyến dã ngoại để gia đình ba thế hệ thêm gắn kết.
Mỗi năm, mẹ chồng Hàn và nàng dâu Việt lại "trốn nhà" đi du lịch nước ngoài cùng nhau. “Bố tôi tuổi cao nên khó đi xa, còn chồng tôi bận công tác. Mẹ chồng thành bạn đồng hành lý tưởng”, chị Nhung nói. Có năm, do con trai bận, bà Lee trực tiếp đưa con dâu, cháu nội về Việt Nam ăn Tết, đi du lịch cùng thông gia.
"Lấy chồng xa nhưng 8 năm qua, tôi đều đặn về nhà đón Tết, nghỉ hè, chỉ trừ năm dịch Covid-19 bùng phát. Hai gia đình năm nào cũng bay qua, bay lại thăm nhau vài chuyến nên gắn bó lắm. Con gái tôi được hưởng sự thương yêu, chăm sóc của ông bà cả nội, cả ngoại.
Chồng tôi chăm chỉ học tiếng Việt để nói chuyện với bố mẹ vợ dễ dàng hơn. Tôi thực sự thấy may mắn khi cả gia đình dành tình cảm chân thành cho nhau, xóa nhòa đi khoảng cách địa lý và rào cản văn hóa”, nàng dâu Việt tâm sự.
Ảnh: NVCC