Trả lời báo chí ngày 8/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, tính đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 12,2%. Như vậy, hạn mức tín dụng (room) theo phân bổ chỉ tiêu cả năm là 14%, vẫn còn dư 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% hạn mức dành cho thời gian tới. Có thể nói, đây là dư địa khá lớn để các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Với việc nới room tín dụng lần này, sẽ có những ngân hàng được phân bổ 1,5%, có ngân hàng thì 2% và có ngân hàng lại không được. Ông Tú lý giải, điều này nhằm khuyến khích những ngân hàng có khả năng thanh khoản dồi dào và có thực hiện chính sách giảm lãi suất.
Trong khi đó, một số ngân hàng vẫn còn room tín dụng đã được phân bổ từ đầu năm, ví dụ như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), dư địa tín dụng còn khá dồi dào, nên không cần thiết phải nới thêm; hoặc một số ngân hàng đang tăng lãi suất ở mức cao thì Ngân hàng Nhà nước thấy rằng cũng cần phải hạn chế tăng trưởng tín dụng...
Việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn và lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.
Theo vị Phó Thống đốc, với mức tăng từ 1,5-2%, tương đương với 240 nghìn tỷ đồng, được cung ứng thêm cho nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hướng dòng tiền vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện, khơi thông nguồn vốn cho người dân mua nhà ở xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cũng giao Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục kêu gọi, vận động các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, tiếp tục chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú cho biết.