Diễn tập đối kháng theo hình thức tấn công phòng thủ hệ thống – DF Cyber Defense 2023 là một hoạt động trong khuôn khổ Hội thảo và triển lãm quốc tế Smart Banking 2023 do Cục CNTT – Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và IEC phối hợp tổ chức tại Hà Nội vào ngày 6/10.
Có chủ đề “Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số”, Smart Banking năm nay hướng tới việc mang đến cho các đại biểu tham dự một bức tranh toàn diện về các chiến lược, giải pháp ngân hàng số, các công nghệ định hình ngành ngân hàng và phát triển ngân hàng dựa trên dữ liệu.
Là hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2023, sự kiện cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và khung pháp lý cho công tác ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính.
Theo ban tổ chức, diễn ra trong cả ngày 6/10, Smart Banking 2023 bao gồm 1 phiên toàn thể, 3 phiên hội thảo chuyên đề về chiến lược chuyển đổi số bền vững ngành ngân hàng dựa trên dữ liệu, nâng cao trải nghiệm khách hàng trong xu hướng ngân hàng số tương lai và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong bối cảnh chuyển đổi số ngân hàng.
Song song với các phiên hội thảo, còn diễn ra triển lãm công nghệ về tài chính - ngân hàng với sự tham gia của hơn 30 nhà cung cấp giải pháp CNTT, an toàn thông tin, với các giải pháp nổi bật về ngân hàng lõi, ngân hàng mở, thanh toán số, ví điện tử, thanh toán tiếp xúc và thanh toán không tiếp xúc, NFC (Giao tiếp trường gần), hệ thống thanh toán di động, bảo mật trung tâm dữ liệu, quản lý gian lận, hệ thống quản lý truy cập và nhận dạng...
Ban tổ chức cũng cho biết, sự kiện quy tụ đại diện các ngân hàng cũng như các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo đầu ngành, các tổ chức tài chính và đại diện từ nhiều lĩnh vực để cùng thảo luận về những vấn đề nổi bật trong ngành ngân hàng hiện nay như xu hướng ngành ngân hàng, giải pháp nhân hàng số, các công nghệ định hình ngành ngân hàng và phát triển ngân hàng dựa trên dữ liệu.
Chia sẻ về chương trình diễn tập đối kháng theo hình thức tấn công phòng thủ hệ thống - DF Cyber Defense, một hoạt động trong khuôn khổ Smart Banking, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và ngành tài chính – ngân hàng là một trong những ngành quan trọng nhất trong xu thế tất yếu.
Bên cạnh những cơ hội cũng tồn tại những khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu. Vì vậy, bảo vệ an ninh mạng là yếu tố then chốt giúp các tổ chức tài chính ngân hàng phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, diễn tập đối kháng theo hình thức tấn công phòng thủ hệ thống 2023 là cơ hội để tăng cường công tác phối hợp, nâng cao kỹ năng, giảm thiểu thời gian xử lý và ứng phó với các công nghệ tấn công mới, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách an toàn thông tin trong các ngân hàng và tổ chức tài chính.
“DF Cyber Defense 2023 sẽ là cuộc tranh tài hấp dẫn giữa các đội kỹ thuật đến từ các tổ chức tài chính ngân hàng nhằm giao lưu, củng cố an toàn, an ninh mạng”, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ.
Ngân hàng, tài chính đã được xác định là 2 trong 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng. Tại Chỉ thị 18 năm 2022 về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phải chuyển từ bị động sang chủ động, trong đó việc tổ chức diễn tập thực chiến tối thiểu 1 lần/năm đối với hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên nhằm đánh giá khả năng phòng ngừa xâm nhập và khả năng phát hiện kịp thời các điểm yếu về quy trình, công nghệ, con người.
Trong đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ quan điểm: Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực an toàn thông tin là nội dung quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn thông tin, góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế - xã hội số và nâng cao uy tín, xếp hạng quốc tế của Việt Nam về an toàn thông tin theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).
Một trong những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của đề án là đào tạo kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin cho các tổ chức, cá nhân. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp quản lý, vận hành các hạ tầng quan trọng như viễn thông, Internet, trung tâm dữ liệu, các hệ thống tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phải chú trọng và thường xuyên đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực an toàn thông tin tại chỗ.