Xem lại bài 1: Tương lai nào cho con người trong kỷ nguyên AI?
Hiện trạng giáo dục
Hiện nay nền giáo dục đang tiến hành theo kiểu: Thầy cô giảng bài hoặc cao cấp hơn, ở lớp học đảo ngược, thì học sinh tự xem học liệu đã được chuẩn bị sẵn. Sau khi học sinh đã xem giảng bài xong, thầy cô ra bài tập cho mọi học sinh như nhau, học sinh giải bài, thầy cô giáo đọc bài học sinh giải để “chấm điểm”. Kỹ năng dùng bài (biết cách ứng dụng thế nào trong cuộc sống) không được chú trọng vì không ai chấm điểm hay xếp hạng việc này.
Học sinh giải bài lần đầu gặp dạng bài mới thì phải áp dụng ít nhiều sự sáng tạo cá nhân, nhưng sau đó, học sinh bị bắt lặp đi lặp lại việc giải bài cho nhanh và không sai sót ở các dạng bài đã biết rồi, gọi là luyện bài.
Việc luyện không giúp học sinh có thêm kiến thức hay rèn luyện sự sáng tạo, nhưng luyện bài là tối quan trọng để đạt điểm cao khi làm bài kiểm tra theo kiểu CTT (Classical Test Theory), một mô hình rất cũ và rất kém hiệu quả so các mô hình ra đời từ 1950 tới nay như IRT hay G-Theory (Generalizability Theory).
Làm bài kiểm tra (kiểm bài) kiểu CTT được thiết kế để học sinh nào ôn bài và luyện bài nhiều sẽ được điểm cao. Học sinh giỏi thật sự và có tính sáng tạo cao thường có kết quả chỉ ở mức khá chứ không tốt nếu đo kiểu CTT, do tư duy sáng tạo mâu thuẫn nặng với thói quen luyện bài, thứ cần sự chấp nhận sự lặp đi lặp lại.
Một vài trường phái giáo dục khá tân tiến như học theo dự án (Project Based Learning) nhắm tới phát triển tư duy giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, AI làm cho năng lực giải quyết vấn đề trở nên ít giá trị, hoặc thậm chí vô giá trị.
Trong tương lai rất gần, chỉ cần đặt vấn đề đúng thì máy giải quyết vấn đề xong ngay. Thực ra các cách học lạc hậu không áp dụng Gen AI cũng cải thiện chút ít năng lực ra bài, dùng bài thông qua các tiến trình xảy ra trong não: Lặp lại có khoảng cách (Spaced Repetition), Gợi nhớ chủ động (Active Recall), Mã hóa mở rộng (Elaborative Encoding), Phản hồi và sửa chữa (Feedback and Correction), Chuyển giao học tập (Transfer of Learning).
Vài năm lại đây, cư dân mạng dậy sóng khi võ sỹ MMA nghiệp dư chỉ mất vài giây để đấm ngất võ sư Thái Cực Quyền mấy chục “năm kinh nghiệm”, cho thấy luyện Thái Cực Quyền còn không giúp giỏi đánh nhau. Vậy tại sao lại bắt học sinh luyện bài với hi vọng học sinh sẽ giỏi ra bài và dùng bài?
Nếu muốn giỏi khía cạnh nào, cần xây dựng chương trình trực tiếp phát triển khía cạnh đó. Nếu bắt học sinh tiếp tục luyện bài, đó là cách chắc chắn đảm bảo sự thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Trước năm 2024, nền giáo dục dù có kém hiệu quả cũng không quá nghiêm trọng vì nền kinh tế vẫn thiếu lao động, học giỏi hay học kém vẫn kiếm được việc, chỉ là mức lương khác nhau. Tuy nhiên Gen AI và robot làm bùng nổ năng suất lao động.
Bố mẹ cần chọn cho con chương trình học tập trung vào việc đặt câu hỏi vì nếu tiếp tục học theo chương trình cũ, việc thất nghiệp là rất khó tránh khỏi. Và bất cứ người lao động nào cũng phải nhanh chóng nâng cao năng lực đặt câu hỏi để có thể tiếp tục phát triển bản thân.
Năng lực đặt câu hỏi
Năng lực đặt câu hỏi là năng lực quan trọng nhất ở thời đại Gen AI.
Hầu như ai trên thế giới cũng biết câu chuyện “Eureka” của Archimedes (Ác-si-mét 287BC) nhà triết học tự nhiên, nhà sáng chế thời Hi Lạp cổ đại. Ông vĩ đại đến mức có nhiều sáng chế (tạo ra cơ chế mới như máy móc, phương pháp sản xuất), và phát minh (phát hiện ra các quy luật có sẵn trong tự nhiên) vẫn được dùng rộng rãi đến ngày nay.
Từ Eureka nổi tiếng với câu chuyện Archimedes đặt câu hỏi khi ông bước vào bồn tắm: tại sao nước dâng lên, dâng lên bao nhiêu? Archimedes đặt ra câu hỏi phù hợp rồi thì việc tìm lời giải cho các vấn đề khó trở thành việc dễ.
Socrates (470BC) lập ra nền tảng cho trường phái triết học phương tây, nhờ đó có các ngành khoa học công nghệ hiện đại. Phương pháp chính của Socrates là đặt câu hỏi, ông nói rằng năng lực cao nhất của người là đặt câu hỏi cho mình và cho người khác.
Giai đoạn dài của loài người trước Gen AI, đã có quá nhiều câu hỏi hay nhưng chưa được trả lời, nên khái niệm “kỹ năng giải quyết vấn đề” được coi là quan trọng. Khi Gen AI trở nên phổ biến vào đầu năm 2023, kỹ năng đặt câu hỏi (prompt engineering) lập tức trở thành kỹ năng quan trọng nhất của con người, trở thành công việc được trả lương cao nhất mà không cần bằng cấp hay kiến thức gì.
Luật chơi định hình cấu trúc của trò chơi, từ đó chi phối chiến lược tối ưu của người chơi và quyết định đến cân bằng Nash (Nash equilibrium) của trò chơi. Tư duy kiểm tra CTT ngày nay là luật chơi tệ hại. Nó ép con người phải lãng phí thời gian giải bài, thậm chí là luyện bài.
Trước năm 2023, giải bài là kỹ năng chính để kiếm tiền với lao động trí óc. Tuy nhiên, giải bài giỏi không giúp giỏi ra bài hay dùng bài.
Câu hỏi đúng để giải bài toán 9 thập kỷ
Tôi minh họa mệnh đề này bằng việc phân tích quá trình FIFA xây dựng hệ thống xếp hạng dựa trên Elo: Tính điểm Elo cần kỹ năng toán rất đơn giản, người học cấp 2 trình độ trung bình có thể tính được dễ dàng chỉ cần giấy và bút chì. Nền tảng lý thuyết của Elo bắt nguồn từ Pairwise comparision năm 1927, mãi 33 năm sau, 1960 Elo mới được áp dụng cho liên đoàn cờ vua Mỹ, mất thêm 58 năm nữa, 2018 FIFA mới chịu áp dụng Elo để xếp hạng các quốc gia thành viên.
FIFA đã nhiều lần áp dụng nhiều kiểu xếp hạng kém cỏi khác nhau bất chấp nhiều bài báo đã công bố rằng các phương pháp xếp hạng khác mà FIFA áp dụng có độ chính xác kém xa Elo. Theo cách cũ của FIFA, đội Ba Lan hạng 8, Tây Ban Nha hạng 10, trong khi theo Elo thì Ba Lan hạng 19, Tây Ban Nha hạng 3. Xếp hạng kém chính xác khiến chia bảng thi đấu lung tung, khiến các giải đấu giảm hấp dẫn.
Ví dụ nếu hỏi câu này: “Tôi quản lý liên đoàn e-sport trò chơi đối kháng giống như bóng bàn. Hãy gợi ý cho tôi cách định lượng trình độ của các đội tuyển để chia bảng thi đấu?” thì các AI đều gợi ý ngay việc dùng Elo.
Nếu hỏi “Tôi quản lý liên đoàn e-sport trò chơi đối kháng giống như bóng bàn. Hãy gợi ý cho tôi cách xếp hạng các đội tuyển để chia bảng thi đấu?” thì Claude-3 gợi ý Elo nhưng GPT-4v không nhắc gì đến Elo mà dùng cách tư duy như FIFA thời trước Elo.
Đó là ví dụ cho thấy đặt câu hỏi cho Gen AI tốt thì trong 1 phút có thể thay cho việc lãng phí 91 năm. Kỹ năng đặt câu hỏi sẽ đem lại giá trị to lớn cho xã hội.
Từ xưa, người ta đã có câu nói: “Talent hits a target no one else can hit; Genius hits a target no one else can see” (Tài năng bắn trúng mục tiêu mà không ai khác có thể bắn trúng; Thiên tài bắn trúng mục tiêu mà không ai khác có thể nhìn thấy).
Như vậy, năng lực cao nhất từ xưa vẫn là năng lực xác định mục tiêu, là phần đầu tiên của năng lực lãnh đạo. Xưa kia 1 người đặt mục tiêu thì vô vàn người khác phải lao động rất lâu mới giải được, nhưng với sự xuất hiện của Gen AI, việc đặt câu hỏi đã trở thành công việc hàng ngày của mỗi người. Năng lực đặt câu hỏi cần được biến thành kỹ năng được dạy hàng loạt cho mọi người.
Cách phát triển kỹ năng đặt câu hỏi
Nếu đặt câu hỏi là kỹ năng quan trọng nhất trong tương lai thì chúng ta cần tìm ra phương pháp để đo (assess) và kế hoạch để phát triển kỹ năng này.
Trong quá khứ, tôi may mắn đã có dịp triển khai hệ thống dựa trên Elo để đo năng lực cho doanh nghiệp nên có sẵn công cụ để thực hiện việc này. Tuy nhiên, công trình đó dài tới 300 trang nên không thể trình bày được dưới khuôn khổ một bài viết. Những người quan tâm có thể liên hệ tôi để được chia sẻ nhiều hơn về vấn đề này, hoặc nếu có nhiều người quan tâm, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ từng phần.
Nguyễn Đình Nam - Nhà sáng chế với 20 năm kinh nghiệm làm AI, đã từng triển khai thành công hệ thống dựa trên Elo để đánh giá năng lực của các doanh nghiệp.