Trong những ngày vừa qua, nhiệt độ tăng cao khiến nhiều nơi phải trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ ngoài trời vượt ngưỡng 40 độ C. Nếu đỗ xe ngoài trời, nhiệt độ trong khoang lái thực tế còn cao hơn rất nhiều, thậm chí là cao gấp đôi do hiệu ứng nhà kính.
Tuy vậy, dù có nắng nóng đến thế nào, một chiếc xe ô tô thông thường sẽ không thể tự bốc cháy do hãng xe đã kiểm nghiệm rất kỹ trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.
Tỉ lệ tự bốc cháy do lỗi nhà sản xuất chỉ chiếm chưa đến 1% và thường được các hãng xe phát hiện sớm nên họ sẽ công bố lệnh triệu hồi những chiếc xe có nguy cơ cháy để khắc phục vấn đề.
Còn lại, phần lớn những nguyên nhân gây cháy xe trong thời tiết nắng nóng chủ yếu đến từ sự chủ quan và bất cẩn của người sử dụng xe.
Chia sẻ với báo VietNamNet, anh Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc trung tâm dịch vụ Auto i-Tech (Hà Nội) cho biết nguyên nhân gây cháy xe ô tô phổ biến có thể đến từ việc chủ xe độ chế thêm các thiết bị điện tử sai quy chuẩn của nhà sản xuất đưa ra, chẳng hạn như chất lượng dây điện không đảm bảo dẫn đến quá tải, tăng nhiệt và gây cháy xe.
Ngoài ra, người dùng bảo dưỡng qua loa hoặc ít chăm sóc xe sẽ không phát hiện sớm các vấn đề như chuột cắn các chi tiết điện, rò rỉ nhiên liệu trong khoang máy khi bị chập điện hoặc thời tiết nóng cộng với động cơ quá nhiệt, dẫn đến nguy cơ cháy xe.
Anh Thắng còn cho biết thêm, trang bị châm tẩu thuốc lá có sẵn trên xe tưởng chừng như vô hại nhưng bộ phận này trong quá trình sử dụng lâu ngày có thể bị kẹt, dẫn đến đóng mạch, tạo ra nhiệt lò xo bên trong và gây ra cháy xe. Do đó, anh cũng khuyến cáo các chủ xe nên rút tẩu châm thuốc nếu không dùng tới vật dụng này.
"Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, người dùng tuyệt đối không để các vật dụng dễ cháy nổ trong xe như bật lửa, pin dự phòng hoặc thiết bị điện tử. Luôn có sẵn bình chữa cháy mini trên xe nhưng người dùng không nên mua các loại bình chữa cháy trôi nổi kém chất lượng bởi những loại này hoàn toàn có thể gây tác dụng ngược khi bị tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài", anh Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, một số những người sử dụng xe có kinh nghiệm cho biết chai nước hay kính mắt đều có thể là vật trung gian gây ra cháy khi chúng vô tình giống như một thấu kính hội tụ tập trung các tia nắng mặt trời, nếu nguồn sáng đó đủ mạnh cũng có thể dẫn tới nguy cơ hoả hoạn cao.
Vì vậy, thay vì bất cẩn, người dùng nên để kính vào đúng vị trí trên xe, tuyệt đối không để các chai nước ở những chỗ dễ tiếp xúc với ánh nắng khi đỗ xe ngoài trời, nên để ở sau lưng ghế trước hoặc ở hai bên cửa phía sau. Cuối cùng, điều tuyệt vời hơn cả là chọn được chỗ có bóng mát để đỗ xe.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!