Theo Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ngày 10/11 về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong số 36 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở khắp 3 miền, nhiều loại hình của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được công nhận.

Đây sẽ là cơ hội để các địa phương nâng tầm giá trị di sản, giúp đồng bào có thêm động lực, "biến di sản thành tài sản", vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển sản phẩm du lịch...

1. Nghề thủ công truyền thống Nghề làm nem Lai Vung, Xã Tân Thành, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp

Nghề làm nem Lai Vung được hình thành và phát triển hơn 60 năm qua, dù trải qua bao thăng trầm, nhưng nghề làm Nem Lai Vung vẫn tồn tại và phát triển. Nếu như ban đầu chỉ có một vài hộ làm nem thì đến nay toàn huyện Lai Vung có hơn 20 cơ sở sản xuất nem, với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Giáo Thơ, Út Thẳng, Hoàng Khánh, Thanh Xuân, Thanh Sơn, Cô Hiệp v.v. thu hút khoảng 300 lao động tham gia, tổng sản lượng nem làm ra hàng trăm nghìn chiếc mỗi ngày, giá trị tổng sản lượng ước đạt trên 60 tỷ đồng/năm.

Năm 2012, nem Lai Vung được Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận nằm trong top 10 đặc sản nem, chả nổi tiếng Việt Nam. Đặc biệt, năm 2013, nem Lai Vung nằm trong top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công bố.

2. Lễ hội truyền thống Lễ Vu lan thắng hội, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh

Vu lan thắng hội, hay còn gọi là lễ hội Cúng Ông Bổn Cầu Kè, diễn ra vào những ngày 25 – 28 tháng Bảy âm lịch, tại thị trấn Cầu Kè mà địa điểm chính là Vạn Niên Phong Cung hay còn gọi là Chùa Chợ (vì gần chợ Cầu Kè) tọa lạc tại khóm 1.

Đây là một trong những lễ hội dân gian truyền thống gắn với tín ngưỡng thờ Ông Bổn của cộng đồng người Hoa Trà Vinh cũng như các tỉnh Nam bộ.

Ảnh màn hình 2024 07 12 lúc 13.07.59.png

Lễ hội Cúng Ông Bổn đều được tiến hành vào mùa Vu lan và do có đến 6 ngôi chùa nên lễ hội Cúng Ông Bổn gần như diễn ra trong cả tháng Bảy âm lịch. Trong đó, Vạn Niên Phong Cung với lợi thế nằm ở trung tâm thị trấn, giao thông thủy bộ thuận tiện, đời sống người dân sung túc nên được chọn là lễ hội chính.

Lễ hội Cúng Ông Bổn Cầu Kè diễn ra từ 25 đến 28 tháng Bảy âm lịch, mà người dân Cầu Kè hay nhắc nhau qua câu thiệu: “Hai lăm vào đám, Hai tám ra giàn”. Trong 4 ngày lễ hội có đến 20 lễ thức liên hoàn nhau trong một lịch bản rất chặt chẽ.

Ngày 25 tháng Bảy, diễn ra 8 lễ thức, bao gồm lễ Thỉnh chư Phật, chư Thần Thánh; Lễ Thỉnh kinh – đánh động; Lễ Hương tác; Lễ Trình tổ khai chung; Lễ Khai quang; Lễ Khai kinh; Lễ Xá hạc và Lễ Cầu quốc thái dân an. Trong đó, quan trọng và đông vui nhất là hai lễ Thỉnh chư Phật – chư Thần Thánh và Lễ Thỉnh kinh – đánh động.

– Lễ Thỉnh chư Phật – chư Thần Thánh được tiến hành vào sáng sớm ngày 25/7 âm lịch. Vị chủ lễ, ban quản trị chùa cùng đông đảo bà con bổn hội, đồng bào phật tử trong vùng tề tựu tại khuôn viên Vạn Niên Phong Cung, hình thành đám rước diễu hành qua các con phố chính, qua xã Hòa Ân, Tam Ngãi cung thỉnh chư Phật, chư Thần Thánh về Vạn Niên Phong Cung cùng Bổn Đầu công chứng giám và phối hưởng phẩm vật dâng làng dâng cúng.

Bên cạnh các Thần Thánh theo tín ngưỡng người Hoa như Quan Thánh đế, bà Thiên Hậu… còn có các vị Thần theo tín ngưỡng người Kinh (Thần Thành hoàng bổn cảnh), tín ngưỡng người Khmer (Neakta). Nghi thức này thể hiện tinh thần đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi giữa các dân tộc, các tôn giáo – tín ngưỡng mà cộng đồng dân cư Cầu Kè chăm chút gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác.

3. Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Trống quân Liêm Thuận, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam

Nhiều nơi ở đồng bằng Bắc Bộ, có tục hát trống quân như vùng Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên), Khánh Hà (Thường Tín-Hà Tây cũ), xã Ninh Xá (Thuận Thành-Bắc Ninh)… song hát trống quân ở Liêm Thuận lại mang những nét đặc trưng riêng. Do cuộc sống gắn liền với sông nước nên họ có nhu cầu giao tiếp trên mặt nước, sau này nảy sinh nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa sông nước, từ đó người ta đã đem trống quân trên cạn xuống thuyền và trở thành nét đẹp văn hóa của vùng đất này.

Hát hội trống quân ở Liêm Thuận đã như là lệ chơi, luật chơi khi 2 thuyền gần nhau, gặp nhau họ cất lên lời hát chào. Thuyền hát này, bè hát này muốn giao lưu, muốn hát đối đáp với thuyền hát kia, bè hát kia thì chèo thuyền tới gần có khi kề mạn và họ bắt đầu nổi trống “thì thình” cất lên lời hát chào, hát ra mắt.

Những câu hát chào hỏi, ca ngợi chọc ghẹo nhưng đậm giao duyên hóm hỉnh, tế nhị, sâu sắc cứ nối dài làm cho bè hát suy nghĩ, người hát mải mê, mải miết cách đố mà quên đi cả thời gian sớm tối, quên đi cả công việc vất vả hàng ngày. Và dù cho hội hát chính đã kết thúc, nhưng cuộc hát lẻ còn kéo dài tới hết tuần trăng.

Những đêm trăng sau đó người ta vẫn nô nức chèo thuyền về cánh đồng làng Sông tiếp tục hát và nghe hát. Bao nhiêu cuộc hẹn hò, bao nhiêu nhân duyên lứa đôi cũng bắt đầu từ cuộc hát này.

Đặc biệt, nhạc cụ dùng để hát trống quân hết sức độc đáo, phù hợp với làn điệu, lời ca tự biên, tự diễn, mộc mạc, chân thành, giàu âm hưởng dân ca. Khác với những những quả trống được làm bằng gỗ mít, mặt bưng bằng da trâu ở nơi khác, trống để hát trống quân ở Liêm Thuận được làm bằng chum sành (hoặc vò, vại sành) - vật dụng gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

4. Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa hát Lải Lèn, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

Lải Lèn là điệu múa hát cổ được thực hiện trong nghi lễ tế Thần tại đình làng Nội Chuối (nay là thôn Nội Đọ - được sáp nhập từ thôn Nội Chuối với thôn Đọ), xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân. Theo các bà, các cô trong câu lạc bộ (CLB) hát múa Lải Lèn: Không mượt mà, sâu lắng như những điệu hát dân ca, múa hát cổ Lải Lèn rất khó hát và khó múa.

Tuy nhiên, đây là nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc cha ông để lại, chỉ có ở Nội Chuối.

Theo các cụ truyền lại, Lải Lèn có khoảng 30 điệu múa hát, nhưng hiện nay, các thành viên trong CLB sưu tầm, tập hát múa thành thạo được khoảng 15 điệu. Khác xưa, giờ các thành viên trong CLB chỉ hát múa biểu diễn trong lễ tế Thần tại đình làng duy nhất vào ngày 20 tháng Giêng - ngày hội làng. Về nội dung, múa hát Lải Lèn có điệu diễn tả cảnh đón mừng nhà vua với những nghi thức cung đình; có điệu diễn tả cảnh trận mạc xưa với các điệu bắn cung, cưỡi ngựa, múa kiếm; có điệu diễn tả cảnh tiễn biệt người đi, kẻ ở trong thời chiến tranh; có điệu diễn tả cảnh đoàn quân chiến thắng trở về; có điệu diễn tả cảnh mở hội khao quân…

5. Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, tỉnh Quảng Ninh

Soóng cọ là một loại hình dân ca đã được thực hành và gìn giữ suốt nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Sán Chỉ.

Đặc biệt, ngày 10/11 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3421/QÐ-BVHTTDL công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đây, góp phần quan trọng đẩy mạnh công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của loại hình hát soóng cọ trong phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương.

6. Lễ hội truyền thống Lễ hội Bổng Điền, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Đình Bổng Điền là nơi thờ Nhị vị tướng công đã được các triều đại phong kiến kế tiếp nhau sắc phong. Đền Bổng Điền là nơi thờ Quế Hoa công chúa, nữ tướng thời Hai Bà Trưng đã cùng Bát Nạn tướng quân và nữ tướng Lê Chân đánh giặc Đông Hán xâm lăng. 

Tương truyền, khi lên 8 tuổi, Quế Hoa đã đi tầm sư học đạo, tuổi ít nhưng học rộng tài cao, kinh sử tinh thông, lại có chí lớn, với thiên tài bẩm sinh bà đã vượt lên trên tầm vóc của những người thường, tuy là con gái nhưng chí như nam nhi. Năm 16 tuổi, nhiều người dạm ngõ bà đều không ưng mà để tâm trí vào làm việc lớn. Được tin cha bị quân thù sát hại,  nữ tướng Quế Hoa đã đem toàn bộ quân binh của mình cùng Bát Nạn tướng quân về với Hai Bà Trưng để “đền nợ nước, trả thù nhà”, tham gia khởi nghĩa và lập nhiều chiến công. Trong trận huyết chiến, quyết không để sa vào tay giặc, Quế Hoa đã nhảy xuống sông tự vẫn. Thi thể bà trôi về khúc sông Hương Điền. Dân làng thương xót xây mộ và hương khói phụng thờ. 

Hàng năm, lễ hội truyền thống Bổng Điền diễn ra từ ngày 13 – 15/3 âm lịch tưởng nhớ ngày nữ tướng Quế Hoa xuất quân đánh giặc, cầu mong Thánh Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an và đây cũng là dịp đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của toàn thể nhân dân trong vùng cũng như khách thập phương. 

7. Lễ hội truyền thống Lễ hội Mường Khô, xã Điền Trung, xã Điền Lư, xã Điền Quang, xã Điền Hạ, xã Điền Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Cứ đến ngày mùng 10 âm lịch hằng năm, người dân làng Muỗng Do, xã Điền Trung và các vùng lân cận huyện Bá Thước lại tổ chức lễ hội Mường Khô để tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh. Đền thờ Quận công Hà Công Thái được xây dựng vào thế kỷ XIX, do gia tộc Hà Công, một gia tộc cai quản sứ Mường Khô, dùng để thờ các vị thần.

Trong thời vua Gia Long, Minh Mạng trong gia tộc họ Hà Công có ông Hà Công Thái có công đánh giặc ở trấn Hưng Hoá và dẹp giặc cỏ ở vùng biên giới Việt Lào, đặc biệt là giúp nhà Nguyễn thống nhất giang sơn, nên ông Hà Công Thái được triều đình nhà Nguyễn phong tước Quận công, có quyền cai quản từ dốc Eo Lê, chợ Mầu, chợ bãi, Mường Ne cho đến tận ngọn nguồn sông Mã. Sau khi ông mất, mộ của ông được an táng tại Đồng Tràng, gần đền thờ, và trong đền tộc họ Hà Công đã xây thêm một ngôi nhà nữa tại khuôn viên Chùa Mèo để thờ Quận công Hà Công Thái và sau này thờ sỹ phu Hà Văn Mao và Hà Triều Nguyệt.

Từ đó Chùa Mèo trở thành nơi đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh cho đất Mường Khô nói riêng, huyện miền núi Bá Thước nói chung. Hàng năm vào dịp tổ chức tế lễ tại Chùa Mèo (Ngày mùng 10 tháng Giêng), Nhân dân trong vùng vì ngưỡng vọng những người có công với nước nên thường đến vãn cảnh và thắp nén hương tưởng nhớ và cầu may, cầu mát, cầu cho mưa thuận gió hòa, điều lành, điều tốt đến với mọi nhà.

8. Lễ hội truyền thống Lễ hội đình Đầm Hà, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh

Đình Đầm Hà được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, là một trong những ngôi đình lớn, có không gian kiến trúc mang đậm nét đặc trưng của những ngôi đình cổ Việt Nam. Năm 1963, đình Đầm Hà cũng như nhiều ngôi đình khác trong huyện bị dỡ bỏ. Năm 2008, đình Đầm Hà được xây dựng lại nơi thờ tự với phần hậu cung đình tạm và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân. Với những giá trị của mình, năm 2010 đình Đầm Hà được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Năm 2012, đình Đầm Hà được đầu tư xây dựng lại theo kiến trúc truyền thống, bao gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, kiến trúc cổ mặt chữ “Đinh”, bốn mái. Đình thờ 12 vị tiền nhân của dòng họ Hoàng, họ Phan sinh sống lâu năm ở đây và 15 vị hậu thần đã góp công xây dựng đình.

9. Lễ hội truyền thống Lễ hội Sết Boóc Mạy, xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá

Theo tiếng người dân tộc Thái: Sết là Tết, còn Boóc Mạy là cây, hoa, lá và cả vạn vật, muông thú, tượng trưng cho đất, trời, thiên nhiên kỳ vĩ, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông muôn hoa, muôn vẻ, vạn vật sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu thần linh che chở, cầu thần phù hộ tạo phúc cho dân, mọi người đều bình an, khỏe mạnh. Người dân tộc Thái luôn mong muốn được tận hưởng những gì tốt đẹp nhất mà thiên nhiên ban tặng, lạc quan tin tưởng vào ngày mai tươi sáng.

Lễ hội Sết Boóc Mạy là loại hình sinh hoạt văn hóa, là sản phẩm tinh thần, tái hiện một phần đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thời khai thiên lập Mó đến nay, là một hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc, nét văn hóa tinh thần độc đáo của cộng đồng người Thái được người dân của thôn Mó 1, xã Cán Khê, huyện Như Thanh lưu giữ, phát huy và tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Đến nay, lễ tục này không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây khi mỗi độ tết đến, xuân về.

Thông qua những làn điệu dân ca dao duyên, những âm thanh vang vọng khắp núi rừng của tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng khua luống, tiếng bòm bu hòa quyện với nhau, Lễ hội Sết Boóc Mạy với ước mong được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui. Lễ hội cũng là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm mới.

10. Lễ hội truyền thống Lễ hội Vía Bà Thủy Long, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau

Theo tài liệu được lưu truyền lại thì ngôi Miếu Bà Thủy Long (Thủy Long Cung Thần nữ) tại ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi được lập vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Trước đây vùng đất này vốn rất hoang vu, cá tôm nhiều vô số kể, lúc ấy có hai ông Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành tìm đến đây lập nghiệp. Ban đầu, hai ông mang theo gia đình đến khu vực Nhà Vi (nay thuộc xã Trần Thới, huyện Cái Nước) ở tạm, sau đó dùng xuồng độc mộc lần dò ngược lên sông Bảy Háp, qua tắc Ông Do, rồi xuôi dòng sông Cửa Lớn đến sông Cái Ngay, sau đó men theo sông rạch đến kênh Thị Vạn ngày nay. Nhận thấy nơi đây đất đai tươi tốt, có nhiều nước ngọt và cá tôm thì vô số kể. Hai ông liền khấn sơn thần và thủy thần xin phép được khai khẩn đất đai và lập nghiệp tại vùng đất này.

Nội dung lời khấn được lưu truyền như sau: “Chúng con từ phương xa đến đây giữa vùng đất hoang vu này chưa biết làm gì xin sống! Xin các vị thần chỉ bảo cho chúng con là Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành nơi bình an, thuận lợi, đất đai màu mỡ để chúng con khai khẩn dựng làng, xây ấp mưu sinh. Nếu được như ý nguyện chúng con sẽ lập miếu thờ chư vị để tỏ lòng cảm ơn và nguyện ăn hiền ở lành, nuôi dạy con cháu giữ đạo lý, duy trì truyền thống sau này”. 

Sau khi khấn sơn thần và thủy thần thì hai ông bơi xuồng xung quanh nhìn thấy có nhiều loài cây cỏ tươi tốt, đặc biệt có nhiều cá lóc phóng lao ngang qua xuồng, xác định nơi đây sẽ là vùng đất “nhân khang, vật thịnh” nên hai ông trở về Nhà Vi đưa gia đình đến lập nghiệp. 

11. Nghề thủ công truyền thống Nghề dệt của nhóm A Ráp (Gia Rai), huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum

W-nghedet.png
Nghề dệt thủ công truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai) đã có từ lâu

Nghề dệt thủ công truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai) đã có từ lâu, được lưu truyền từ đời này đến đời khác và tồn tại cho đến ngày nay.

Để tạo thành tấm thổ cẩm người A Ráp (Gia Rai) trình tự thực hành các bước: Chuẩn bị nguyên liệu: Quả bông được thu hoạch thành nhiều đợt, sau khi thu hoạch, quả bông được phơi khô sao cho bông nở đều, sau đó loại bỏ vỏ và các tạp chất bẩn dính trên bông. 

Quy trình nhuộm sợi: Người A Ráp (Gia Rai) chuẩn bị các loại củ, cây trong tự nhiên để thực hiện nhuộm sợi. Sau khi nhuộm sợi xong, phơi sợi dưới bóng mát, để có được thuận lợi trong quá trình dệt, người làm sợi tiếp tục cuộn tròn sợi như quả bóng bằng dụng cụ cuộn sợi (Tơi vơi).

Quy trình dệt: Trước khi đưa vào khung dệt (khôông) để dệt vải thổ cẩm, người A Ráp (Gia Rai) giăng sợi trên khung giăng sợi (Hnar) theo số lượng chỉ nhất định, tương đương với khổ vải. Sau khi giăng sợi xong, đưa thảm sợi vào khung dệt để dệt vải thổ cẩm.

Hiện nay, nghề dệt thủ công truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai) tỉnh Kon Tum còn duy trì và thực hành trong các thôn, làng tại các huyện: Sa Thầy, thành phố Kon Tum. Đặc biệt nghề dệt thủ công truyền thống phát triển mạnh, tạo thành những tổ hợp dệt vừa phát triển kinh tế gia đình, là sản phẩm hàng hóa được định hướng gắn với việc phát triển du lịch của địa phương...

12. Lễ hội truyền thống Lễ hội đền Yên Lương, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An

 Lễ hội đền Yên Lương hay còn gọi là Lễ hội “Phúc Lục Ngoạt”, diễn ra dịp trung tuần tháng 6 âm lịch, gắn với di tích đền Yên Lương ở phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò. Lễ hội được tổ chức 3 năm/lần vào năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu trong ba ngày 14, 15, 16 tháng 6 (âm lịch).

“Phúc Lục Ngoạt” là một  trong những lễ hội truyền thống quy mô lớn nhất và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Nghệ, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương về tham dự.

 Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 3431/QÐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội đền Yên Lương, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An là  Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

13. Tri thức dân gian Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông, huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không chỉ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, mà còn giúp các địa phương này có thêm động lực tạo ra các mặt hàng thổ cẩm đa dạng để quảng bá, giới thiệu với du khách, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch.

14. Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Quan làng của người Tày, tỉnh Tuyên Quang

Người Tày có vốn dân ca, dân vũ rất phong phú. Các điệu múa tập thể phản ánh đời sống lao động như múa lấy nước, múa làm cỏ, múa then…

Dân ca của người Tày gồm nhiều thể loại: Hát giao duyên của thanh niên nam nữ có lượn và cọi. Lượn gồm: Lượn mời trầu, mời nước, mừng vào nhà mới, mừng hoa, mừng bản, mừng thuyền… Cọi có cọi cây đa, cọi đối đáp, cọi ví… Trong đám cưới có hát quan làng. Trong các nghi lễ thờ cúng gia đình, cộng đồng làng bản có hát then.

Then là thể loại dân ca đặc sắc, mang đậm màu sắc tín ngưỡng của dân tộc Tày ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Tuyên Quang. Trong quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Trời”. Đó vừa là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái vừa là một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật: văn học, âm nhạc, múa…Vùng hát then tỉnh Tuyên Quang tập trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình và một số xã của các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên. Hát then của Tuyên Quang có đặc trưng là giai điệu mượt mà, đằm thắm và mở đầu câu hát bao giờ cũng có từ “ới la”, biểu hiện khát vọng giao đãi của con người với đất trời, thiên nhiên, vạn vật. Then Tuyên Quang có một số làn điệu cổ như Then cấp sắc công nhận một người đủ điều kiện làm thầy cúng, lo việc tâm linh của bản làng; Then kỳ yên (cầu điều lành và điều tốt) và Then lễ hội.

Ra đời trong dân gian, gắn với đời sống của dân gian nên lời hát then là sự phản ánh chân thực cuộc sống của người dân miền núi. Trong lễ cấp sắc của người Tày, lễ cầu an đầu năm mới, lễ chúc thọ cha mẹ…then là hình thức cơ bản để phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những mong muốn rất bình dị của người nông dân: Có thóc gạo, trâu bò, gà vịt đầy nhà; cha mẹ già trường thọ; gia đình hòa thuận yên vui, con cái hiếu thảo trưởng thành… Bên cạnh đó, trong then còn có nhiều nội dung phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội, đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người, ca ngợi tình nghĩa vợ chồng thủy chung. Then cũng bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc với những số phận không may mắn, những người nghèo khổ… Hiện nay, hát then đang được duy trì và phát triển.

15. Lễ hội truyền thống Lễ hội Xuống đồng, phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

Lễ hội Xuống đồng diễn ra vào tháng 6 âm lịch, trước khi bước vào gieo cấy vụ mùa nhằm biểu thị lòng biết ơn của người dân đối với các vị Thần Nông và Thành Hoàng làng phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Không gian tổ chức lễ hội tại đình Cốc và sông Cửa Đình, thuộc phường Phong Cốc (TX Quảng Yên).

Xuất phát từ tục làm lễ “Hạ điền” và lễ “Thượng điền” của cư dân vùng Hà Nam, lễ hội đã được người dân thị xã lưu giữ từ hàng chục năm qua. Sau nghi lễ Tế yết, cúng Thần Nông và Thành Hoàng tại đình Cốc, cầu mong các thần phù hộ cho dân làng một mùa vụ tươi tốt, ấm no, nhà nhà hạnh phúc, ông chủ tế sẽ xuống ruộng trước cửa đình Cốc cấy những cây lúa đầu tiên trước sự chứng kiến của dân làng. Sau nghi lễ cấy này, mọi gia đình trong làng mới được cấy lúa xuống ruộng nhà mình.

16. Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tri thức dân gian Vovinam - Việt Võ Đạo, Thành phố Hồ Chí Minh

Việt Võ đạo là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938 tại Hà Nội. Sau này môn võ này được gọi là Vovinam, gồm 2 phần: Võ thuật Việt Nam (Việt Võ thuật) và Võ đạo Việt Nam (Việt Võ đạo). Đến năm 1960, cố võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức Chưởng môn, tiếp tục sự nghiệp quảng bá, phát triển Vovinam. Ông cùng các võ sư tìm tòi, nghiên cứu để hệ thống lý thuyết, kỹ thuật và võ đạo ngày càng được hoàn thiện, qua đó xây dựng nền móng vững chắc cho môn võ Việt.

Hội đồng võ sư Chưởng quản môn phái Vovinam ra đời năm 2010 đánh dấu chặng đường mới của võ Việt. Cố võ sư Chánh chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu đã cùng các võ sư đưa Vovinam lan tỏa mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế khắp năm châu. Với hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo cùng với triết lý nhân sinh thượng võ và tấm lòng xả kỷ, Vovinam - Việt Võ đạo đã góp phần giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

17. Lễ hội truyền thống Lễ hội Nàng Han, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Lễ hội Nàng Han là lễ hội truyền thống của đồng bào 16 xứ Thái mường Chiềng Ván xưa (nay thuộc thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) diễn ra vào ngày 6/1 Âm lịch hàng năm.

Truyền thuyết kể lại, xưa kia ở bản Lùm Nưa, trong gia đình nọ có hai người con gái tuyệt đẹp là Nàng Han và Nàng Tóc Thơm đẹp người, đẹp nết. Người em, Nàng Tóc Thơm có mái tóc dài như suối và hương thơm lạ kỳ nổi tiếng khắp mường. Người chị, Nàng Han không chỉ xinh đẹp mà còn thông minh, giỏi võ nghệ. Nàng Han được triều đình tin tưởng giao cho nhiệm vụ trấn ải miền biên viễn trên vùng đất quê hương.

Lễ hội Nàng Han ngoài giá trị văn hóa, lịch sử còn mang ý nghĩa giáo dục các thế hệ con, cháu về lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm, đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà còn bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa của địa phương.

18. Nghề thủ công truyền thống Nghề dệt đũi, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

Theo các cụ cao niên trong xã, nghề dệt đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) được hình thành từ gần 400 năm trước đây.

Trước kia, đũi Nam Cao nổi tiếng khắp cả nước nhờ sự độc đáo. Đó là những sản phẩm được làm thủ công với rất nhiều công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu tới khi thành thành phẩm đòi hỏi sự công phu, cần mẫn, tỉ mỉ, trau chuốt từng chút một của người nghệ nhân.

19. Lễ hội truyền thống Lễ hội Ariêu piing của người Tà Ôi (Pa cô), huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

Lễ hội A riêu piing (Bun A riêu piing) từ lâu được biết đến là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của người Tà Ôi. Người Tà Ôi Cô quan niệm rằng khi lễ hội này được tổ chức thì vòng đời một con người mới thực sự kết thúc. Lễ hội A riêu piing là một lễ hội tổng thể cả về đời sống lẫn tâm linh.

Người Tà Ôi quan niệm, xung quanh ta đang sống luôn tồn tại một thế giới siêu nhiên rất linh thiêng mà trong đời sống lao động nương rẫy và các mối tương quan giữa con người đều phải tôn trọng một cách nghiêm túc, nếu cố ý hoặc sơ ý đều phương hại đến đời sống bản làng và tính mạng con người. Bởi sự liên kết cộng đồng, làng bản thể hiện qua sinh hoạt phong tục tập quán, lễ nghi - đó là sợi dây vô hình rạng buộc và gắn chặt thành viên trong làng/bản  thành một khối đoàn kết.

Thông qua lễ hội A riêu piing nhằm khơi dậy nét đẹp văn hoá truyền thống, những tinh hoa ràng buộc sự gắn chặt thành một khối đoàn kết, đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, mọi gia đình và mọi làng bản từ xa xưa

20. Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Soọng Cô của người Sán Dìu, tỉnh Quảng Ninh

Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 3422/QÐ-BVHTTDL công bố "Nghệ thuật Trình diễn Dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu (Quảng Ninh)” là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Theo tiếng Sán Dìu, Soọng có nghĩa là hát, còn Cô là ca. Soọng Cô được lưu truyền trong dân gian bằng hình thức truyền khẩu.

Lời hát gồm những khổ thơ thất ngôn, tứ tuyệt, mỗi khổ có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ. Nội dung của Soọng Cô rất phong phú, có thể về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, ca ngợi lao động sản xuất, ướm hỏi tỏ tình... Tất cả dùng những ca từ mộc mạc, giản dị, từ tượng hình, tượng thanh để gửi gắm lòng mình trong đó.

Soọng Cô bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động.

21. Lễ hội truyền thống Lễ hội đình Vạn Ninh, xã Vạn Ninh, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

Theo lịch sử, trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, Tướng quân Lý Thường Kiệt đã lấy đất Vạn Ninh làm nơi tập kết thuỷ quân. Người Vạn Ninh tự hào và để tưởng nhớ công lao ông, sau này, nhân dân xã Vạn Ninh đã xây dựng đình và tôn thờ Lý Thường Kiệt làm thành hoàng làng và phối thờ cùng các vị thành hoàng khác ở trong đình.

22. Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Kiều, huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình

Theo đó, nghệ thuật trình diễn dân gian hát kiều ở huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn và nghệ thuật trình diễn dân gian hát ru Cảnh Dương, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ thuật trình diễn dân gian hát kiều hay còn gọi là hát kiều là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo gắn bó với đời sống tinh thần của người dân vùng tả ngạn sông Gianh.

Từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian được hình thành như ngâm kiều, vịnh kiều, bói kiều, lẩy kiều nhưng trong đó, nghệ thuật hát kiều thể hiện tính độc đáo và giàu sức sáng tạo hơn. Hát kiều bao gồm hát, diễn xuất và làm trò trong không gian được sân khấu hóa…

Dù trải qua nhiều thăng trầm và biến thiên của lịch sử, nhưng nghệ thuật hát kiều vẫn có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân các địa phương thuộc 2 huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn.

23. Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát ru Cảnh Dương, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Hát ru Cảnh Dương là loại hình văn nghệ dân gian độc đáo ở làng biển Cảnh Dương mà hầu như chỉ đàn ông lĩnh xướng. Hát ru ở Cảnh Dương xuất phát từ thực tế lao động sản xuất của ngư dân, là những lời hát đậm chất văn hóa miền biển, sử dụng nhiều ngôn ngữ địa phương.

Hiện nay, Cảnh Dương đang được xây dựng thành làng văn hóa-du lịch cộng đồng với nhiều nét văn hóa độc đáo. Việc hát ru Cảnh Dương được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là cơ hội để địa phương có thêm động lực, vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản vừa phát triển thành sản phẩm du lịch.

24. Lễ hội truyền thống Lễ hội đền Du Yến, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ

Đền Du Yến hay còn gọi là Đền Mẫu thuộc khu Bổng Châu Thượng, nay thuộc khu 2, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia  năm 1993.
     Theo cuốn “Ngọc Loan công chúa ngọc phả cổ lục” do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn vào tháng 10 năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), Nguyễn Hiền sao lại vào tháng 2 năm Vĩnh Hựu thứ ba (1737) hiện còn lưu thì đền Du Yến thờ bà Ngọc Loan công chúa- tên thật là Nguyễn Thị Hạnh (Còn có tên gọi là Hạnh Nương).
     Lễ hội đền Du Yến trong một năm có 03 kỳ tiệc lệ chính:
     Ngày 10 tháng Giêng - ngày mất của thần;
     Ngày 15 tháng Giêng - ngày hội quân;
     Ngày 15 tháng Hai - ngày sinh thần.
    Trong đó ngày 15 tháng Giêng là ngày đại tiệc, là ngày hội lớn được tổ chức long trọng nhất, tương truyền là ngày Hạnh Nương tuyển chọn trai tráng trong trang Bổng Châu, tập hợp binh sỹ, mở tiệc khao quân để khích lệ quân sỹ. Tế cáo trời đất, rồi kéo quân về yết kiến Hai Bà Trưng.

25. Lễ hội truyền thống Lễ hội rước Chúa Gái, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ

Lễ hội Rước Chúa Gái ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ mang đậm nét văn hóa dân gian phản ánh đời sống văn hóa, phong tục tập quán của nhân dân ta từ thời đại Hùng Vương, được nhân dân địa phương lưu giữ và phát huy, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

26. Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mở cửa rừng của người Mường, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

Lễ hội Mở cửa Rừng ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, với ý nghĩa mở ra một mùa săn bắt, hái lượm mới của người Mường; cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đồng thời thể hiện ước nguyện, khát vọng của con người về một cuộc sống ấm no, sung túc đủ đầy, bản làng hòa thuận vui vẻ.

Đây là một trong số những lễ hội gắn với tín ngưỡng cầu mùa, canh tác của người Mường cổ.

 Lễ hội diễn ra với hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ tái hiện mô phỏng cuộc đi săn của các phường săn xưa. Bắt đầu nghi thức đi săn, một người săn giỏi (trùm săn) sẽ cùng các bậc lão niên giàu kinh nghiệm bàn định hướng xuất phát và chọn điểm săn. Các tay săn còn lại trong phường tỏa ra vây, tìm chỗ đón lõng thú rừng ở các khe, các lối mòn đợi chờ con thú đi qua.

27. Lễ hội truyền thống Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ), xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An

Đây là lễ hội lịch sử văn hóa kỷ niệm công đức của Thái Phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan (1521 - 1576) cùng các đại thần trong dòng họ Nguyễn Cảnh tại đền thờ Ngài ở xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Sách “Hoan Châu ký” là cuốn sử phả ghi về dòng họ Nguyễn Cảnh có đại thần Nguyễn Cảnh Hoan là một trong những công thần thiết lập vương triều Lê Trung hưng, sau đó là các thế hệ dòng họ Nguyễn Cảnh kế tiếp nổi danh đều là những người có công trong suốt thời kỳ vương triều Lê Trung hưng kéo dài 249 năm. Thống kê gia phả có 18 tước Công, 76 tước Hầu và nhiều tước Bá, Tử, Nam được ghi danh trong văn bia, văn sử, có khoảng gần 40 đền thờ, lăng mộ được lập ở vùng Nghệ An và một số tỉnh trong cả nước do con cháu phụng sự hương khói đời đời.

Linh hồn của lễ hội "Thập niên sự lễ" là đám rước hoành tráng với chiều dài hơn một cây số (không kể nhiều xe ô tô con nối nhau tống hậu) được biên chế theo đội hình truyền thống : Võ lệnh đi trước mở đường, cờ phướn giương oai, voi ngựa đốc chiến, sắc phong thể hiện công trạng, kiệu Thánh ngự lồng lộng oai linh Thái Phó Tấn Quốc Công cùng các sắc diện "binh hùng, tướng mạnh" đan xen trong đội hình giương cao binh khí đã làm sống lại các ước lệ ngàn xưa của không khí đất nước vệ quốc, của dòng họ Nguyễn Cảnh mang đậm tính truyền thống "Trung cần nhân nghĩa, Bảo quốc hộ dân" và đặc biệt ở đám rước này có cái độc đáo là chỉ toàn hậu duệ huyết thống Nguyễn Cảnh được biên chế tham gia các đội hình đám rước.

28. Tri thức dân gian Nghệ thuật làm trang phục của người Mông Đen, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Nghệ thuật làm trang phục người Mông đen thị xã Sa Pa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tộc người. Bộ trang phục truyền thống của người Mông đen Sa Pa mang giá trị thẩm mỹ cao, nổi bật là các hoa văn trang trí trên trang phục thông qua kỹ thuật thêu, ghép vải và in sáp ong. Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống là đứa con tinh thần của cộng đồng Mông đen ở thị xã Sa Pa. Thông qua nghệ thuật trang trí, họ gửi gắm khát vọng cháy bỏng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

29. Lễ hội truyền thống Lễ hội đền An Xá/Lễ hội Đậu An, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên

Đền  Đậu An còn có tên gọi là đền An Xá hay Thụy Ứng quán, thuộc làng An Xá, xã An Viên huyện Tiên Lữ. Đền thờ Ngũ Lão tiên ông và đấng Thiên Tiên, Địa Tiên đã giúp dân khai hoang diệt trừ hổ giữ, bảo vệ mùa màng.

Đền Đậu An còn giữ được các di vật bằng đất nung rất độc đáo, đó là nhang án đất nung thời Trần và tháp đất nung có niên đại thế kỷ 17.

Lễ hội truyền thống đền An Xá từ ngày mùng 6 đến ngày 12 tháng 4 âm lịch. 

30. Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình

Nói đến người Thái ở huyện vùng cao Mai Châu của tỉnh Hoà Bình thì Keeng Loóng là một phần sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây, đặc biệt trong các dịp lễ hội như: Lễ mừng cơm mới, lễ Xên bản, Xên mường, lễ Chá chiêng, Tết Nguyên đán... góp phần nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn người Thái trên địa bàn.

Người Thái là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nên sinh hoạt văn hóa Keng Loóng gắn liền với quá trình sản xuất nông nghiệp của họ từ sớm, có ý nghĩa quan trọng, phản ánh đặc điểm xã hội, đời sống tâm linh và thực hành tín ngưỡng.

Theo các nghệ nhân dân gian đều cho rằng: “Keng” là “gõ”, “Loóng” là chiếc máng bằng gỗ lớn, nhiều năm tuổi, đủ độ già, chắc chắn, tiếng vang, thanh. Người ta chọn cây to, thẳng, được chặt thành khúc, tùy theo người muốn làm Loóng to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. “Keng Loóng” là hành động cầm chày gõ vào máng trong lao động cũng như diễn tấu trong lễ nghi, tín ngưỡng. 

31. Nghề thủ công truyền thống Nghề làm nón Hai mê của người Tày, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

Nghề làm Nón lá hai mê không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng từ bé người dân đã được ông bà, cha mẹ truyền dậy cho cách đan nón từ những nguyên vật liệu thiên nhiên, gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày. Những chiếc Nón lá hai mê không chỉ giúp người dân che mưa, che nắng mà còn được dùng làm đạo cụ trong các tiết mục múa, hát, hay được dùng để bầy, trang trí nhà cửa, quán ăn… Đặc biệt hơn, Nón còn là vật dụng không thể thiếu trong mỗi đám cưới. Chỉ cần nhìn qua chiếc Nón cô dâu đội trên đầu trong ngày lễ “Vu quy” là có thể đánh giá được tài năng, sự khéo léo của cô dâu.

Nón từ vật dụng gắn bó với đời sống lao động của người dân nay đã trở thành sản phẩm được bầy bán trên thị trường, được du khách trong và ngoài nước biết đến; nón được người dân bày bán tại các phiên chợ với giá giao động từ 100 - 150 nghìn đồng tùy từng kích cỡ to nhỏ khác nhau… từ đó, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sau những ngày nông nhàn. Ban đầu chỉ là hình thức tự cung tự cấp, sau đó chuyển thành hàng hoá cung cấp cho thị trường. Chính vì vậy mà kỹ thuật làm Nón gắn liền với nghề thủ công truyền thống được người dân duy trì, bảo tồn và phát triển.

32. Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng rừng của người Cờ Lao, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Lễ cúng thần Rừng người Cờ Lao tại thôn Má Chề được diễn ra vào khoảng từ 7 đến 9 giờ sáng. Trong năm chỉ có 03 ngày là cúng được “Lùng phàng mí sính” theo âm lịch, đó là ngày mùng 03/3 hoặc ngày mùng 9/9, ngày 29 tháng chạp âm lịch. Các hộ gia đình góp tiền để chuẩn bị lễ vật trước 2 - 3 ngày và thông báo cho người thân trong gia đình về dự lễ đông đủ Lễ vật dâng cúng gồm: 1 con dê đực, 1 con gà, 2 chai rượu, gạo, vàng hương, giấy bản và một số vật dụng khác...sử dụng trong quá trình thực hiện Lễ cúng thần rừng.

Người Cờ Lao không giống như các dân tộc khác là phải lập miếu thờ mà chỉ chọn một chỗ tương đối bằng phẳng ở bên cạnh khe đá tại địa điểm có gốc cây to trong khu rừng cấm của thôn để thờ cúng Lễ cúng thần rừng. Tại nơi đàn cúng cũng không quy định đặt bao nhiêu bát hương mà chỉ có một bát hương cúng chung cho tất các các vị thần bát hương được đặt trên phiến đá to, phía dưới để 3 chiếc chén vại trên phiến đá bằng phẳng.

Ở đây lễ cúng được thực hiện qua hai bước đó là: Cúng sống và cúng chín. Các loại lễ vật được người dân trong thôn đóng góp bằng tiền để mua chung để thể hiện sự đoàn kết cộng đồng của cả làng và cầu nguyện cho tất cả người dân trong thôn quanh năm 12 tháng bình an, khỏa mạnh, không ốm đau, bệnh tật... hoa màu phát triển tốt, vật nuôi mau lớn, không bị dịch bệnh...

33. Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Quan làng của người Tày, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang

Hát Quan làng được coi là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đám cưới người Tày xã Tùng Bá. Hát Quan làng có nơi gọi là “nai lùa”, có nơi gọi là “văn ví” quan làng… dùng lối hát ví von, lời hay ý đẹp để thách đố tài ứng xử của ông, bà Quan làng bên nhà trai hay ông, bà Quan làng bên nhà gái khi đoàn nhà trai đi đón dâu hoặc đoàn nhà gái đi đưa dâu sang nhà trai. Hát Quan làng còn gọi là “thơ lẩu” của dân tộc Tày.

Đây là một phong tục đẹp trong đám cưới truyền thống của người Tày, với hệ thống các bài thơ, bài hát được chia thành các cung đoạn cụ thể. Những người hát Quan làng (tiếng Tày gọi là Pú Quan làng) là những người làm nhiệm vụ thay mặt họ nhà trai mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về.

34. Lễ hội truyền thống Lễ hội Chùa Ông, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

Cứ vào tháng Giêng hằng năm, Lễ hội chùa Ông cù lao Phố ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, lại được tổ chức với rất nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo du khách thập phương.

Lễ hội chùa Ông thường được tổ chức trước ngày diễn ra Tết Nguyên Tiêu. Lễ hội chùa Ông cù lao Phố thực hiện tại Cơ sở thờ tự chùa Ông ở cù lao Phố (còn gọi là Thất phủ cổ miếu, được tạo dựng từ năm 1684 và được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2011), duy trì suốt hơn 330 năm qua.

Lễ hội chùa Ông cù lao Phố mang tính lễ hội vùng, được người dân vùng Đông Nam Bộ tự nguyện thực hiện liên tục từ thời mở đất đến nay, có phát triển và biến đổi về văn hóa nhưng vẫn giữ được sắc thái riêng trong đặc điểm chung về lễ hội.

Lễ hội còn gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian ở Nam Bộ trong quan hệ văn hóa Việt-Hoa, thể hiện rõ bản sắc văn hóa Việt Nam tích hợp đa nguồn và dung hòa đa hệ. Bên cạnh đó, Lễ hội chùa Ông cù lao Phố là nhịp cầu giao lưu văn hóa, kết tinh và lan tỏa nội vùng và ngoại vùng, có sức sống trong quá trình hội nhập quốc tế.

35. Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian Nghề làm tôm khô, tỉnh Cà Mau

Nghề làm tôm khô phản ánh đậm nét công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, gắn bó với các phong tục, tập quán trong đời sống hàng ngày. Về vật chất, nó là một sinh kế quan trọng, mang lại sự ấm no, phồn thịnh.

Về tinh thần nó là nghệ thuật ẩm thực, tri thức dân gian được tích lũy trong từng món ăn; được thể hiện trong ca dao, tục ngữ, dân ca, các tác phẩm văn học văn học nghệ thuật được lưu truyền, tạo nên sắc thái văn hóa riêng của vùng đất này.

36. Lễ hội truyền thống Lễ hội Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang

Vùng đất Xương Giang xưa và Bắc Giang nay nằm hiền hòa bên dòng sông Thương thơ mộng vốn không chỉ nổi tiếng với khí phách anh dũng, kiên cường mỗi khi tổ quốc lâm nguy, vùng đất có truyền thống hiếu học mà còn là vùng quê trù phú với nhiều sản vật nổi tiếng được tạo nên bởi những con người cần cù, sáng tạo và rất đỗi nhân hậu… 

Hằng năm, cứ vào dịp Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Xương Giang (mùng 6 tháng Giêng), lại là dịp để nhân dân các phường, xã của thành phố Bắc Giang quảng bá, giới thiệu tới du khách xa gần về những giá trị vật chất và tinh thần của vùng đất anh hùng với truyền thống văn hiến lâu đời thông qua các sản vật, những giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc.

Đình Thành và nhóm PV, BTV