Mời quý độc giả video:
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững.
Huyện Thanh Ba là địa phương có nhiều điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với công nghệ tưới nhỏ giọt, trồng cây trong nhà màng,
Mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, đo khí tượng trên đồi bưởi ở khu 3 xã Đông Thành của huyện Thanh Ba đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm.
Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất tuy số vốn ban đầu bỏ ra lớn hơn nhưng sẽ tiết kiệm khoản lớn chi phí nhân công, chủ động về chất lượng sản phẩm. Từ khi đưa hệ thống tưới nhỏ giọt vào sản xuất, cây trồng được tưới một lượng nước, phân bón vừa đủ, thuận lợi cho quá trình sinh trưởng.
Các thiết bị đo độ ẩm đất và vận hành tưới tự động cho phép người quản lý vận hành điều khiển hệ thống qua điện thoại thông minh. Ngoài ra, mỗi quả đồi sẽ có một thiết bị đo khí tượng thủy văn, từ đó giúp hệ thống tính toán được độ ẩm và lượng nước cần thiết cấp cho cây trồng…
Ứng dụng công nghệ cao vào trồng bưởi không những giúp bà con tiết kiệm chi phí về vật tư, nhân công mà còn góp phần tăng năng suất cây trồng cao gấp 1,5 lần, chất lượng sản phẩm đồng đều.
Một mô hình khác tại Thanh Ba cũng đang hưởng lợi nhờ ứng dụng công nghệ cao là sản xuất chè búp tím tại xã Vân Lĩnh.
Dòng chè búp tím được doanh nghiệp chọn để phát triển có xuất xứ tại trung du Bắc Bộ vốn có năng suất thấp, sản lượng chỉ bằng 1/3 - 1/4 so với các giống chè phổ thông. Tuy nhiên, đây là dòng chè có vị ngon đặc biệt, cực kỳ thơm và đượm vị.
Để cải thiện về mặt sản lượng, doanh nghiệp đã đầu tư ngay từ khâu chăm sóc cây chè theo hướng hữu cơ, sử dụng hệ thống phun tưới tự động, áp dụng các phần mềm quản lý, chăm sóc chè…
Nhằm nâng tầm chất lượng, doanh nghiệp còn ứng dụng công nghệ mới trong khâu chế biến từ sao chè, tạo hình, phân loại, đóng gói… để đảm bảo chất lượng sạch đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Nhờ cách làm ăn bài bản, việc buôn bán chè búp tím phát đạt đã góp phần tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương với mức thu nhập dao động từ 5 – 8 triệu/người/tháng. Người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, có chế độ phúc lợi hàng năm.
Được biết, sản phẩm chè búp tím của Thanh Ba được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2023, huyện Thanh Ba đang làm hồ sơ đề xuất xếp hạng sản phẩm này thành sản phẩm OCOP 5 sao.
Hợp tác xã Sản xuất và chế biến chè Đá Hen là đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi số trong sản xuất, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử ở làng nghề của xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê.
Cho đến nay, Hợp tác xã đã đầu tư đồng bộ hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ quy trình sản xuất và chế biến chè, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình này để tạo ra sản phẩm chè sạch. Nhờ đó gia tăng giá trị của nông sản.
Việc người nông dân thời đại 4.0 đã thay đổi cách nghĩ, hành động, phát triển kinh tế bền vững từ tiềm năng, lợi thế của sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường là hướng mở triển vọng, xu hướng tất yếu của nông nghiệp hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh.