Đảm bảo chất lượng Internet đi quốc tế
Tháng 3/2023, 5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam kết nối đi quốc tế bị sự cố gây ảnh hưởng lớn đến kết nối Internet của Việt Nam đi quốc tế. Lần đầu tiên, 5 tuyến cáp của Việt Nam đồng loạt gặp sự cố. Tình huống hy hữu này gây những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế, đồng thời cũng tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ.
Theo Bộ TT&TT, trước tình huống nhiều tuyến cáp biển cùng có vấn đề, Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố và xây dựng quy hoạch quốc gia về cáp quang biển, tổ chức làm việc, điều phối các doanh nghiệp viễn thông để xử lý sự cố đứt cáp quang biển, đảm bảo kết nối dịch vụ viễn thông và Internet của Việt Nam đi quốc tế.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông đã nhanh chóng mở thêm dung lượng cáp quang trên đất liền; chia sẻ, ứng cứu lưu lượng dịch vụ viễn thông và Internet đi quốc tế cho nhau để bảo đảm chất lượng dịch vụ viễn thông băng rộng cố định và di động phục vụ sản xuất kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội...
Bộ TT&TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải có đảm bảo dự phòng tối thiểu 10% dung lượng, nhằm giữ ổn định chất lượng dịch vụ viễn thông và Internet đi quốc tế cung cấp cho khách hàng, nhanh chóng phối hợp với đối tác quốc tế để khôi phục cáp quang biển. Cục Viễn thông đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để tiếp tục triển khai các phương án quản trị rủi ro hiện tại và tương lai đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng; Xây dựng quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam, thúc đẩy nhanh một số tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế nhằm bảo đảm vai trò dẫn dắt, làm chủ của Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, 4/5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam đã được khôi phục và chất lượng Internet của Việt Nam đã được đảm bảo.
Theo đại diện của VNPT, trong thời điểm cao điểm, hiệu suất sử dụng băng thông Internet quốc tế chỉ đạt khoảng 60% dung lượng kênh có sẵn. Với dung lượng hiện tại, VNPT đảm bảo tốc độ kết nối nhanh đến các server quốc tế ngay cả trong giờ cao điểm. Bên cạnh đó, VNPT còn dự phòng đến 40% dung lượng, sẵn sàng phục vụ khách hàng trong mọi trường hợp, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn chất lượng của Bộ TT&TT.
VNPT đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý cáp biển để đẩy nhanh việc sửa chữa tuyến cáp biển APG. Dự kiến trong tháng 6, tuyến APG sẽ hoàn thành sửa chữa, góp phần củng cố năng lực và nâng tỷ lệ dự phòng dung lượng Internet quốc tế của VNPT lên đến 60%. Cùng với việc dự phòng dung lượng cho nhu cầu tăng trưởng băng thông, chất lượng Internet của VNPT được đảm bảo ở mức cao hơn trung bình của cả nước.
Chuẩn bị cung cấp dịch vụ Internet siêu băng rộng cho 10.000 khách hàng
Theo công bố của Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ TT&TT), kết quả giám sát chất lượng của VNPT, tốc độ download trong tháng 5 giao động từ 92Mbps tới 111Mbps, cao hơn mức trung bình của các nhà mạng trong cả nước là 90,59 Mbps. Tương tự, tốc độ upload của VNPT đạt 92,09Mbps cũng cao hơn trung bình cả nước là 89,56Mbps.
Mới đây VNPT cũng đã hợp tác với Tập đoàn Nokia để đưa công nghệ siêu băng rộng về Việt Nam. Đây là công nghệ siêu băng rộng lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Với công nghệ này, người dùng Internet có thể lựa chọn gói dịch vụ tốc độ lên đến 10 Gbps. Giai đoạn triển khai ban đầu sẽ kết nối 10.000 hộ gia đình và doanh nghiệp tại 8 tỉnh thành lớn nhất cả nước, xây dựng nền tảng viễn thông tốt nhất để triển khai các hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số cho chính quyền và doanh nghiệp. VNPT cũng đã tham gia nghiên cứu các tiêu chuẩn, thử nghiệm hướng tới Wifi thế hệ thứ 7 đa kết nối với tốc độ lên tới 30Gb/s.
Hiện VNPT đã và đang đầu tư thêm 4 tuyến cáp biển mới, trong đó tuyến SJC- 2 dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm nay, bổ sung thêm 18T lưu lượng quốc tế cho người dùng tại Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, trong 5 năm tới, có lẽ Việt Nam cần thêm ít nhất 2 - 3 tuyến cáp quang biển nữa để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Theo kế hoạch mà các nhà mạng Viettel và VNPT công bố, năm 2023 các nhà mạng này sẽ khai thác thêm tuyến cáp cập bờ Quy Nhơn. Nếu các tuyến này hoạt động cố định thì cũng sẽ giải quyết căn bản khả năng dự phòng cho các nhà mạng.
Mới đây, Cục Viễn thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam, thúc đẩy nhanh thêm các tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế nhằm bảo đảm vai trò dẫn dắt, làm chủ của Việt Nam. Trong bất kỳ phương án nào, doanh nghiệp Việt phải giữ vị trí đứng đầu, đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành xây dựng tuyến mới. Dự kiến, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển đi quốc tế.