Với dân số xếp lớn thứ 15 thế giới, lại trong thời kỳ dân số vàng, Việt Nam có nguồn lực con người vô cùng lớn để phát triển, tất nhiên, phải theo cách khác đi, bằng việc sử dụng não bộ cho phát minh, sáng tạo để “bắt kịp” cách mạng 4.0, thay vì sử dụng cơ bắp như trong quá khứ.
Nhiều tiềm năng để sử dụng chất xám cho phát triển
Gần đây, WIPO ghi nhận, Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020, xếp thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập. Bên cạnh đó, học sinh Việt Nam luôn được xếp thứ hạng cao trong kết quả khảo sát PISA của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế. Việt Nam lọt Top 21 các quốc gia có nghiên cứu được công bố tại hội thảo quốc tế về học máy, theo thông báo của VinID trong một hội thảo gần đây.
Tức là về nhiều khía cạnh, người Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và cơ hội để sử dụng chất xám cho phát triển.
Tuy nhiên, có thực tế là trong nhiều lĩnh vực, người Việt Nam chỉ ứng dụng, sử dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ, của đổi mới sáng tạo, chứ chưa tham gia được sâu vào quá trình đổi mới sáng tạo đó của nhân loại.
Nhiều năm nay, nền kinh tế vẫn cạnh tranh quốc tế chủ yếu bằng thâm dụng lao động, lao động giá rẻ, gia công lắp ráp… Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa leo lên các nấc cao của chuỗi giá trị toàn cầu.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Việt Nam được coi là nhà xuất khẩu lúa gạo lớn bậc nhất thế giới, là quốc gia giữ an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác, nhưng thử so sánh, người nông dân phải sản xuất ra bao nhiêu tấn lúa mới mua nổi một chiếc iphone?
Gần đây, khi phỏng vấn một thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng, ông ấy kể một câu chuyện đầy ám ảnh. Ông đi thăm một doanh nghiệp may mặc có vốn FDI ở quê thì thấy, hàng ngàn người, “toàn thanh niên trẻ trung” đổ xô đi làm với tiền công vỏn vẹn 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Ở dưới chân của công nhân, họ để những chai nước đục lỗ để khi khát thì nhấp nhâp vài giọt. Họ không dám uống nước vì không được đi vệ sinh. Kể lại chuyện này, vị thành viên đó cứ lắc đầu thương cảm mãi.
Những câu chuyện như vậy không mới. Dù nhiều người Việt Nam đã vươn lên làm chủ công nghệ, kỹ năng quản lý, được cất nhắc lên nhiều vị trí cao trong các doanh nghiệp, tổ chức, đa số vẫn làm lao động chân tay là chính.
Trình độ đổi mới sáng tạo còn thấp
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có tới 42,4 triệu lao động (chiếm 78,1% tổng số lao động) chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó. Trong khi đó, số lao động có việc làm phi chính thức trong 9 tháng đầu năm nay là 20,7 triệu người.
Những con số này cho thấy, đa số người lao động vẫn chưa có tay nghề, chưa qua đào tạo kỹ năng, thể hiện rõ nền kinh tế thậm dụng lao động, năng suất kém cỏi, làm việc trong những ngành nghề cần nhiều cơ bắp hơn là tư duy. Một bộ phận lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, người lao động thiếu các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến.
Những yếu tố này làm cho năng suất lao động của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực. Theo Tổng cục Thống kê, tính theo PPP 2011, năng suất lao động của của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% của Philippines.
Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Điều này cho thấy, khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng và nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.
Nếu mang ra so sánh sự chênh lệch trên cách đây 3-4 thập kỷ thì có lẽ chẳng ai quan tâm. Vấn đề là chúng ta đã Đổi mới được gần 35 năm, đã hội nhập kinh tế và phải cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia trong khu vực.
Và cơ bản nhất là chúng ta đang trong giai đoạn dân số vàng - giai đoạn thanh niên rực rỡ nhất, đẹp đẽ nhất, khát khao nhất của dân tộc.
Hiện tại, phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới.
Theo nhiều tính toán, mức tăng năng suất lao động hiện tại chỉ có thể mang lại tăng trưởng GDP bình quân đầu người từ 4,0 - 4,5%, thấp hơn nhiều so với mức 7% cần thiết để gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035, và câu lạc bộ quốc gia phát triển năm 2045.
Khơi dậy nguồn năng lực lớn nhất
Năm 2019, WEF xếp năng lực cạnh tranh của Việt Nam hạng 67/141 nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018, rút ngắn đáng kể so với nhóm ASEAN-4. Trong đó, trụ cột về năng lực tiếp cận công nghệ thông tin có thứ hạng tăng cao nhất từ vị trí 95/140 lên 41/141 (tăng 54 bậc); trụ cột về thể chế và đổi mới sáng tạo đều tăng 6 bậc. WEF đánh giá Việt Nam là một ngoại lệ, có “tiến bộ vượt bậc“.
Lời khen ngợi đó chính là không gian để ta nhìn vào cho phát triển. Chuyển đổi số, hay công nghiệp 4.0 sẽ là xa vời nếu ngay tư duy chúng ta không kích thích được. Vì thế, câu nhận xét “Người Việt Nam chúng ta còn gì ngoài não bộ để phát triển tới đây” thật thấm thía cho nhiều thế hệ sau.
Với một đất nước trẻ trung với 70% dân số dưới 35 tuổi như Việt Nam thì tinh thần xã hội, tâm thức cộng đồng lẽ ra phải tươi mới, hồ hởi, kèm theo khát vọng cống hiến cho tương lai thịnh vượng. Người trẻ phải là khối năng lượng lớn nhất, làm bùng nổ mọi khát khao, vượt lên mọi rào cản, dám làm, dám chịu, không chịu khuôn phép, không sợ chụp mũ.
Nguồn năng lượng lớn nhất đó phải được khơi dậy cho phát triển, từ não bộ chứ không phải cơ bắp.
Tư Giang
Bộ máy nhà nước và đòi hỏi từ cuộc sống
Hoàn thiện bộ máy nhà nước là đòi hỏi khách quan, cần được giải quyết sớm.