Phát biểu trước báo giới hôm 11/10, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Đây là cuộc huấn luyện thường xuyên, diễn ra hàng năm nhằm giữ cho hoạt động răn đe của chúng tôi an toàn, bảo mật và hiệu quả”.
Theo đài RT, cuộc tập trận hạt nhân có tên gọi "Trưa Steadfast" sẽ diễn ra vào tuần tới. Sự kiện thường quy tụ hàng chục máy bay từ các quốc gia thành viên và diễn tập một sứ mệnh tấn công hạt nhân. Các máy bay tham gia thường không mang đầu đạn hạt nhân thật.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước cảnh báo, Nga và phương Tây đang đối mặt với mối đe dọa "ngày tận thế" hạt nhân hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 40 năm trước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định, Moscow sẽ sử dụng "tất cả các phương tiện có sẵn" để bảo vệ người dân và lãnh thổ của đất nước, một tuyên bố mà Washington và các đồng minh NATO coi là lời đe dọa triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Khi được hỏi liệu 30 nước thành viên NATO đã thảo luận về khả năng cuộc tập trận Trưa Steadfast có thể dẫn đến tính toán sai lầm trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga hay không, ông Stoltenberg bác bỏ lo ngại đó. “Bây giờ là thời điểm thích hợp để kiên quyết và rõ ràng rằng NATO ở đó để bảo vệ tất cả các đồng minh. Và đây là cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ lâu, trước khi chiến sự ở Ukraine bùng phát”, Tổng thư ký của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu nhấn mạnh.
Ông Stoltenberg nói thêm, NATO sẽ gửi một "tín hiệu rất sai lầm" nếu hủy bỏ cuộc tập trận hạt nhân vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo quan chức này, sức mạnh quân sự của khối là cách tốt nhất để “gìn giữ hòa bình, ngăn chặn leo thang và bất kỳ cuộc tập kích nào nhằm vào các nước đồng minh”.
Ông Stoltenberg tiết lộ, NATO đang theo dõi sát sao các lực lượng hạt nhân của Nga và chưa thấy bất kỳ thay đổi nào trong tư thế của họ. Ông nói, các bộ trưởng NATO sẽ đưa ra quyết định vào ngày 12/10 để tăng kho dự trữ vũ khí.
Trong những tuần qua, nhiều hãng thông tấn đưa tin, các thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang vật lộn để mua sắm khí tài đủ nhanh, do việc viện trợ cho Ukraine làm cạn kiệt nguồn cung của họ. Ví dụ, theo tờ Business Insider, quân đội Đức hiện chỉ có đủ đạn dược cho 1 – 2 ngày giao tranh.
Tuấn Anh