Theo hãng tin RT, đây là tuyên bố hôm 1/6 của Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO tại Đối thoại Shangri-La, hội nghị an ninh thường niên do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức tại Singapore. Nói về các mối đe dọa an ninh mạng, ông Bauer tái khẳng định NATO sẵn sàng ứng phó bằng quân sự.
“Tại NATO, chúng tôi đã nhất trí với tất cả các đồng minh rằng, về nguyên tắc, một cuộc tấn công mạng có thể là bước khởi đầu kích hoạt Điều 5. Không chỉ là tấn công vũ trang, mà một cuộc tấn công mạng cũng có thể là cơ sở cho việc thảo luận Điều 5, và dẫn tới các bước tiếp theo”, Đô đốc Bauer nói.
Tuy nhiên, ông thừa nhận phản ứng tập thể đối với một cuộc tấn công mạng có thể đối mặt với nhiều điều không chắc chắn. Bởi theo ông, khác với tấn công vũ trang, khó có thể xác định chính xác ai đứng đằng sau hay có tác nhân cấp nhà nước nào liên quan tới vụ tấn công mạng hay không.
"Bạn phải quy trách nhiệm tấn công cho ai đó. Nếu bạn không biết ai đã tấn công, rất khó để tuyên chiến với họ", ông Bauer nói thêm.
Cũng theo ông, một cuộc tấn công mạng tiềm tàng mà ngay cả khi được chứng minh có nhà nước bảo trợ cũng phải gây hỗn loạn đủ mức mới có thể dẫn đến phản ứng quân sự.
"Bạn phải xem cuộc tấn công đó gây hỗn loạn như thế nào đối với xã hội, bởi đây là một cuộc tấn công vào không gian thông tin của chúng ta. Nếu cuộc tấn công khiến các hạ tầng quan trọng thiết yếu đối với xã hội bị đe dọa theo cách khiến xã hội không thể hoạt động, bạn sẽ tiến đến thời điểm đưa ra hành động gần giống với tấn công vũ trang", tướng NATO giải thích.
Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu từ lâu đã cảnh báo một "cuộc tấn công mạng nghiêm trọng" có thể dẫn tới kích hoạt Điều 5 của Hiến chương NATO. Tuy nhiên, các điều kiện chính xác để kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể trong cuộc tấn công mạng hiện vẫn chưa rõ ràng, và chi tiết. Điều khoản phòng thủ tập thể này được NATO viện dẫn một lần, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ.