TASS dẫn lời ông Stoltenberg nhắc lại rằng, việc cung cấp máy bay chiến đấu và các loại vũ khí khác không khiến NATO trở thành một bên trong cuộc xung đột.
“Cần phân biệt rõ việc NATO cử máy bay cùng phi công đảm bảo vùng cấm bay ở Ukraine không phải là việc NATO tham gia vào cuộc xung đột, trong khi cung cấp máy bay cho Kiev để họ tự sử dụng là một điều hoàn toàn khác”, ông Stoltenberg nói hôm 13/2.
Tổng thư ký NATO gọi giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột ở Ukraine là “cuộc chiến hậu cần” và kêu gọi các quốc gia liên minh cung cấp vũ khí cho Ukraine càng sớm càng tốt.
Đồng thời, ông Stoltenberg thừa nhận: “Tỷ lệ sử dụng đạn dược ở Ukraine vượt quá tỷ lệ sản xuất ở các nước trong liên minh”. Về vấn đề này, ông Stoltenberg kêu gọi các nước NATO tăng mạnh việc sản xuất đạn dược và vũ khí.
EU chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson kiêm Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) cho biết, gói trừng phạt thứ 10 của châu Âu đối với Nga sẽ “cân bằng”.
Theo Thủ tướng Thụy Điển, một trong những chủ đề thảo luận chính ở Liên minh châu Âu là đóng băng tài sản của Nga.
“Vấn đề này cần được giải quyết đúng cách. Chúng ta cần đoàn kết, có rất nhiều quỹ cần được hướng tới việc khôi phục Ukraine”, Thủ tướng Thụy Điển nói.
Theo Politico, EU có kế hoạch đưa ra lệnh cấm xuất khẩu xe tải, thiết bị xây dựng và linh kiện điện tử sang Nga như một phần của gói thứ 10, đồng thời sẽ từ chối nhập khẩu cao su và nhựa đường của Nga.
Danh sách đen có thể bổ sung thêm 130 pháp nhân và cá nhân khác, bao gồm các quan chức cấp cao và nhà báo làm việc cho truyền thông nhà nước.
Ngoài ra, các công ty và cá nhân ở các quốc gia khác, đặc biệt là ở Mali và Iran, bị cáo buộc có liên quan đến các hoạt động quân sự của Nga hoặc tập đoàn lính đánh thuê Wagner, cũng có thể bị trừng phạt.