Theo Reuters, vào ngày 26/2, Hội nghị quốc tế về viện trợ cho Ukraine đã được tổ chức ở Điện Elysee (Paris, Pháp). Tại đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có lần đầu tiên đề cập tới khả năng phương Tây triển khai quân đội tới hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột.
"Đây là một cuộc thảo luận cởi mở và thẳng thắn, chúng ta cần làm mọi việc để đảm bảo Nga không đạt được mục tiêu. Đến nay vẫn chưa có sự đồng thuận chính thức hoặc giả định nào về vấn đề đưa quân đội tới Ukraine. Nhưng chúng ta có lý do để không loại trừ bất kỳ khả năng nào", ông Macron nói.
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Pháp đã đề cập tới những khó khăn của quân đội Ukraine trên tiền tuyến, đồng thời cảnh báo Nga đang chuẩn bị tiến hành các đợt tiến công lớn nhằm đánh sụp ý chí của Kiev. Ông Macron cũng kêu gọi các đối tác phương Tây ưu tiên cung cấp thêm đạn dược, hệ thống phòng không và tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Trước bình luận của Thủ tướng Pháp, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng xác nhận việc một số thành viên NATO và EU đang xem xét gửi quân đội đến Ukraine trên cơ sở thỏa thuận song phương.
"Có những quốc gia sẵn sàng gửi quân tới Ukraine. Nhưng cũng có những quốc gia không bao giờ làm điều này, bao gồm Slovakia. Có những nước đang cân nhắc", ông Fico cho biết.
Trên thực tế, rất nhiều thành viên NATO không muốn nổ ra xung đột trực tiếp với Nga, và không muốn đi quá xa trong việc viện trợ. Ngay trước thềm hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Sholz đã từ chối cung cấp thêm tên lửa tầm xa cho Taurus cho Ukraine, do lo ngại Kiev sẽ sử dụng loại vũ khí này để nhắm vào các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng tiết lộ với Reuters rằng Mỹ không có kế hoạch gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine, và cũng không yêu cầu các đối tác NATO làm như vậy.
>> Xem thêm tin quân sự nhanh nhất trên báo VietNamNet