Mới đây, Hiệp hội các doanh nghiệp đề xuất Dự thảo sửa đổi Luật BHXH nên sửa theo hướng tạo điều kiện cho người lao động nghỉ hưu sớm ở mức tuổi nam 60, nữ 55 tuổi khi đóng BHXH đủ 15 năm trở lên.
Cụ thể, trong văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan, Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất, dự thảo nên bổ sung quy định tại Điều 106 theo hướng: người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng, với nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi, khi đã tham gia BHXH từ đủ 15 năm; mức lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng BHXH, nhưng mỗi năm nghỉ trước tuổi so với quy định trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.
Hiệp hội các doanh nghiệp cho rằng, đa số người lao động Việt Nam làm việc chân tay, nhiều người tham gia BHXH từ sớm, có thời gian đóng BHXH lâu, mức đóng cao. Khi nữ tới tuổi 55, nam 60 sức khoẻ giảm sút, khó đáp ứng được yêu cầu công việc, nguy cơ mất việc làm rất cao.
Do vậy, nếu người lao động phải chờ đến đủ tuổi nghỉ hưu (nữ 60 tuổi, nam 62 tuổi) sẽ gặp khó trong việc đảm bảo cuộc sống. Ngoài ra, việc cho phép người lao động được lựa chọn thời gian nghỉ hưu sớm cũng tạo cơ hội việc làm cho người trẻ.
Theo Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, điều kiện về tuổi nghỉ hưu căn cứ theo lộ trình tăng của Bộ Luật Lao động năm 2019. Cụ thể, nữ tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 tuổi lên 60 tuổi (mỗi năm thêm 4 tháng cho tới năm 2035), nam tăng từ 60 tuổi lên 62 tuổi (mỗi năm thêm 3 tháng cho tới năm 2028).
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Đề xuất giảm tuổi hưu là nguyện vọng chính đáng của người lao động đã được Tổng Liên đoàn lao động đề xuất trước đây. Tuy nhiên Bộ Luật lao động mới sửa, và theo tinh thần Nghị quyết 28 đã có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, có hiệu lực từ 1/1/2021, theo đó mỗi năm tuổi hưu của người lao động tăng 4 tháng cho cho đến khi tuổi nghỉ hưu của nam đủ 62 tuổi, nữ 55 tuổi.
Do Bộ Luật lao động tăng tuổi hưu mới sửa và đã được Quốc hội thông qua, do vậy đề xuất giảm tuổi hưu với lao động sẽ rất khó.
Tuy nhiên, có thể đề xuất bổ sung tăng thêm các đối tượng được về hưu sớm hơn so với quy định hiện hành, đó là lao động trong các ngành nghề đặc thù. Ngoài lao động nặng nhọc độc hại, thì có thể áp dụng với ngành nghề như: Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, lao động trực tiếp… Những đối tượng này được về trước và giữ nguyên chế độ hưởng tối đa 75% lương đóng BHXH.