Khai thác kinh tế từ bản quyền nhân vật (Character Licensing) là một ngành nghề phổ biến tại các quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển. Phương thức này tận dụng tên tuổi và hình ảnh của các nhân vật nổi tiếng, bao gồm cả nhân vật có thật và hư cấu để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mang tính thương mại. 

Người tiêu dùng thường sẵn lòng trả giá cao hơn cho các sản phẩm này, vì chúng gợi lên những kỷ niệm hoặc cảm xúc đối với nhân vật, bộ phim. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng hình ảnh hoặc câu nói nổi tiếng của các nhân vật để sử dụng trong hoạt động quảng cáo, tiếp thị. 

kinh te ban quyen nhan vat 11.jpg
Từ một bộ phim hoạt hình, hãng Walt Disney đã biến các nhân vật của mình trở thành một ngành công nghiệp. Ảnh: Disney

Chia sẻ tại hội thảo về nền kinh tế dựa trên bản quyền nhân vật chiều 23/4, ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) cho hay, hãng Disney của Mỹ là minh chứng rõ nhất cho nền kinh tế dựa trên bản quyền nhân vật. Công ty này sản xuất ra các bộ phim, nhân vật hoạt hình và khai thác các sáng tạo đó để hình thành một hệ thống thương mại lớn. 

Thống kê của Licensing Global cho thấy, tổng quy mô nền kinh tế từ bản quyền nhân vật trên toàn thế giới ước đạt 278 tỷ USD. Trong đó, các tên tuổi lớn trong ngành này là Pokemon (11,6 tỷ USD), Disney (61,7 tỷ USD), Warner Bros (15,8 tỷ USD) và Hasbro (11,5 tỷ USD). Xu hướng tăng trưởng doanh thu bán lẻ của ngành này được dự báo khoảng 20% mỗi năm trong nhiều năm tới.

Tại Việt Nam, SConnect hiện là một trong những công ty tiên phong trong việc phát triển bản quyền nhân vật. SConnect lúc đầu tập trung vào sản xuất nội dung hoạt hình trên YouTube, hướng tới người xem là đối tượng trẻ em tại thị trường nước ngoài. 

Sau đó, công ty này mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như lập trình game, mobile app, cấp quyền hình ảnh, phân phối nội dung cho đến bán bản quyền nhân vật. Hiện SConnect đã có 18 tài sản trí tuệ từ các nhân vật tự phát triển. 

W-kinh-te-ban-quyen-nhan-vat-4-1.jpg
Ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, từ nhân vật Wolfoo ban đầu, SConnect hiện đã đóng gói quy trình để sáng tạo ra các bộ tài sản trí tuệ mới, đồng thời có chiến lược phát triển riêng cho từng loại tài sản này, từ sản xuất nội dung, sáng tạo game, app giáo dục cho đến các sản phẩm thương mại. 

Chúng ta hoàn toàn có thể sáng tạo ra các bộ nhân vật hoạt hình Việt Nam và thương mại hóa chúng bằng cách làm Việt Nam, thông qua các tựa game, app giáo dục...”, Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam nhận định. 

Bà Lại Thị Mai, Đồng sáng lập kiêm CEO WOA UNI cho hay, hoạt động kinh doanh bản quyền nhân vật bắt nguồn từ việc ai cũng có cho mình một thần tượng nào đó. Người ta thường có tâm lý ủng hộ vô điều kiện và sẵn sàng chi trả lớn để đồng hành tại các sự kiện và sở hữu vật dụng liên quan đến thần tượng.

Lĩnh vực này với Việt Nam tuy còn rất mới nhưng trên thế giới đã tồn tại từ hơn 100 năm trước. Hãng Disney của Mỹ đã biến bản quyền nhân vật trở thành một ngành công nghiệp. Tiếp đến là sự nổi lên của các nhân vật truyện tranh Nhật Bản, gần đây hơn là Hàn Quốc”, bà Mai nói 

W-kinh-te-ban-quyen-nhan-vat-2-1.jpg
Một vài sản phẩm hình thành từ việc mua bản quyền nhân vật chú sói Wolfoo. Ảnh: Trọng Đạt

Nhận xét về thị trường Việt Nam, bà Mai cho rằng, các hoạt động thương mại liên quan đến bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhân vật hiện mới chỉ nhen nhóm, chưa hình thành một hệ sinh thái đủ lớn. 

Hoạt động khai thác bản quyền ở Việt Nam hiện chủ yếu thông qua việc hợp tác với các KOL, KOC (những người có sức ảnh hưởng) hoặc thiết kế mascot (linh vật) thương hiệu. Bên cạnh đó, do nhận thức của thị trường còn hạn chế, tình trạng hàng nhái, sao chép hình ảnh nhân vật nổi tiếng tại Việt Nam còn diễn ra nhiều. 

Theo CEO WOA UNI, hình thành nền kinh tế bản quyền nhân vật chính là cách các doanh nghiệp sản xuất nội dung số thương mại hóa tài sản trí tuệ của mình. Để đi theo con đường này, các doanh nghiệp nội dung số sẽ phải liên tục có hoạt động nuôi dưỡng, phát triển sản phẩm như tạo thêm các nội dung mới hay các hoạt động văn hóa, giải trí kèm theo. 

Do nhận thức của thị trường Việt Nam chưa đầy đủ, nhiều nhà sản xuất nội dung trong nước đang lựa chọn các thị trường nước ngoài làm điểm đến. Việc hình thành, phát triển nền kinh tế dựa trên bản quyền nhân vật tại Việt Nam sẽ là cơ hội để người Việt có thể phát huy năng lực sáng tạo, từ đó phát triển kinh tế số trên chính quê hương mình.