Tối 2/6 vừa qua, vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại TP Bắc Giang (Tỉnh Bắc Giang) khi tài xế điều khiển chiếc xe ô tô Audi BKS 98A - 499.44 uống rượu bia đã tông thẳng vào chiếc xe máy khiến 3 người thiệt mạng.
Cụ thể, người điều khiến xe ô tô Audi là Nguyễn Đức Thịnh (SN 1987, trú tại Ngô Quyền, TP Bắc Giang) sau dự tiệc có sử dụng rượu bia, do không làm chủ được tốc độ, khi qua ngã tư đã tông thẳng vào vào xe máy do một người đàn ông điều khiển, chở theo vợ con. Va chạm mạnh đã khiến chiếc xe máy văng xa hơn 100m. Cả 3 người tử vong tại chỗ.
Điều đáng nói vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên xảy ra tại một ngã tư có đầy đủ tín hiệu giao thông. Thời điểm xảy ra tai nạn, đèn giao thông bật vàng, cảnh báo người điều khiển phương tiện phải di chuyển chậm và chú ý quan sát.
Ngay sau vụ tai nạn, Công an Bắc Giang đã đo nồng độ trong cơ thể của lái xe Thịnh là 0,604 mg/l khí thở. Mức vi phạm nồng độ cồn của lái xe Thịnh ở mức rất cao, gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa (mức vi phạm bị xử phạt tối đa hiện hành là trên 0,4 mg/l khí thở).
Trên thực tế, không ít người vẫn điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia bất chấp mức phạt hiện nay.
Thống kê của lực lượng chức năng, trung bình mỗi ngày, có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. 5 tháng đầu năm 2022, cả nước đã xảy ra gần 120 vụ tai nạn giao thông do rượu bia khiến 85 người thiệt mạng và 77 người bị thương.
Nghiên cứu của trường Đại học Việt Đức cho thấy, giữa người không uống bia và uống 1 ly bia thì người uống 1 ly bia có nguy cơ gây tai nạn giao thông bằng 2,8 lần so với chính người đó khi không uống.
Với những vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia thì mức độ thảm khốc cao hơn so với các vụ tai nạn không liên quan đến rượu bia.
Do vậy, ở một số nước đã tăng mức phạt lên rất nặng, thậm chí phạt tù với hành vi uống rượu bia cố tình lái xe.
Phạt tù ngay cả khi chưa gây hậu quả nghiêm trọng
Sau khi hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do lái xe vi phạm nồng độ cồn, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn khoản 4, Điều 260, Bộ Luật hình sự (khuyến cáo áp dụng với mức nồng độ cồn trong máu cao hơn 240 mg/100 ml máu).
Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, Bộ Luật hình sự quy định các hành vi nguy hiểm như sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ vượt quá mức quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên nội dung này chưa có hướng dẫn thực hiện.
Do vậy, cần sớm ban hành hướng dẫn, xử lý nghiêm khắc lái xe uống rượu bia. Lái xe phải bị phạt nặng tương ứng với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Xem xét truy tố trách nhiệm hình sự với những hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chủ thể chưa gây hậu quả.
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức cho biết, các nước phát triển đều có lộ trình xử lý vi phạm nồng độ cồn gây mất an toàn giao thông. Trước hết là xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù người vi phạm.
Hiện ở nước ta, vi phạm nồng độ cồn chưa gây hậu quả, chủ yếu chỉ phạt tiền nên tính răn đe chưa cao. Thực tế, những trường hợp đi xe máy vi phạm nồng độ cồn nhưng mức phạt cao, giá trị xe thấp hoặc ngang bằng mức phạt, họ sẵn sàng bỏ xe, không nộp phạt. Hay với trường hợp đi xe sang khi vi phạm nồng độ cồn họ sẵn sàng nộp phạt, thậm chí gây tai nạn chết người họ có thể bồi thường mất mát để xử lý êm thấm nên tính răn đe chưa cao.
Do vậy, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm một số nước để bổ sung, sửa đổi luật theo hướng khi lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích. Thậm chí có thể bị xử lý hình sự khi vi phạm nồng độ cồn dù chưa gây hậu quả.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, quy định xử phạt người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông cần phải đảm bảo tính răn đe để người vi phạm không để tái phạm. Do vậy, ngoài xử phạt vi phạm hành chính, tước giấy phép lái xe, nếu người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ ở mức cao nhất định có thể phạt tù, lao động công ích để đảm bảo tính răn đe.
‘Thực tế những người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn nếu chỉ phạt tiền thì họ hoàn toàn có thể tái phạm, nhưng phạt tù và lao động cải tạo công ích thì chắc chắn rất ít tái phạm. Luật cần có tính răn đe với người vi phạm”, ông Liên nói.
Gia Văn – Đình Hiếu