Kế hoạch phát triển nền tảng bảo tàng số năm 2022 đã được Bộ TT&TT ra quyết định phê duyệt, cùng với 2 nền tảng số quốc gia khác là nền tảng trí tuệ nhân tạo và nền tảng dữ liệu số nông nghiệp. Đây là 3 trong 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên tập trung phát triển đã được Bộ TT&TT công bố tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ ba – năm 2021.

Trong đó, nền tảng trí tuệ nhân tạo cung cấp dưới hình thức dịch vụ cho phép các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng hoặc phát triển thêm các dịch vụ gia tăng để cung cấp ra thị trường. Thông qua hình thức nền tảng, dữ liệu và mức độ “thông minh” sẽ ngày càng phát triển.

Nền tảng bảo tàng số ứng dụng công nghệ số trong trưng bày, đưa tư liệu, hiện vật đến gần hơn với người xem. Các tư liệu, hiện vật được số hóa dưới dạng 2D, 3D, xây dựng video clip, liên kết các mảnh ghép của không gian, thời gian thành các câu chuyện hiện vật sống động, truyền tải tới người xem trực tiếp cũng như qua các kênh trực tuyến, Internet, thiết bị di động hoặc trình chiếu ngoài trời.

Với nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, trong việc phát triển nền tảng này, cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp đóng vai trò nòng cốt và người nông dân tham gia  tích cực trong việc thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản; kịp thời cung cấp thông tin, tư vấn, dự báo tình hình cho nông dân.

Nền tảng trí tuệ nhân tạo là 1 trong những nền tảng số quốc gia mà Bộ TT&TT là cơ quan hỗ trợ phát triển. Bộ NN&PTNT và Bộ VHTT&DL lần lượt là cơ quan được giao chủ quản phát triển nền tảng số dữ liệu nông nghiệp và nền tảng bảo tàng số. Cả 3 nền tảng số này đều có đơn vị đầu mối của Bộ TT&TT là Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam.

{keywords}
Nền tảng bảo tàng số là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên tập trung phát triển phục vụ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số (Ảnh minh họa: Kinhtedothi.vn)

Theo lộ trình phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo, dự kiến khoảng cuối tháng 5, sẽ lập Tổ công tác gồm đại diện Bộ TT&TT, doanh nghiệp nòng cốt và các chuyên gia để xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ các yêu cầu, tiêu chí đánh giá đối với nền tảng này. Nền tảng sẽ được triển khai thử nghiệm vào khoảng cuối tháng 7 và ra mắt, đưa vào sử dụng chính thức trong tháng 11, sau khi được đánh giá kết quả giai đoạn thử nghiệm.

Với nền tảng số dữ liệu nông nghiệp, sau khi Bộ TT&TT làm việc với Bộ NN&PTNT và các doanh nghiệp nòng cốt phát triển nền tảng để ký thỏa thuận 3 bên, các doanh nghiệp nòng cốt sẽ triển khai xây dựng, phát triển nền tảng số trong tháng 5. Trung tuần tháng 11/2022 là thời gian nền tảng số này được ra mắt, triển khai chính thức.

Nền tảng bảo tàng số sẽ được đánh giá trong tháng 7, được triển khai thử nghiệm từ tháng 7 đến trung tuần tháng 9 và dự kiến được cho ra mắt và đưa vào triển khai chính thức trong tháng 11 tới.

Theo Bộ TT&TT, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cũng được coi là giải pháp đột phá để chuyển đổi số là việc thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số. Các nền tảng số là các hệ thống thông tin tiến hóa ở mức cao hơn, cho phép các cơ quan, đơn vị có thể sử dụng dịch vụ như các dịch vụ điện, nước... Và để sử dụng các nền tảng số, các cơ quan tổ chức có thể không nhất thiết là phải đầu tư mà có thể thuê dịch vụ. Khi thuê dịch vụ, các cơ quan, tổ chức sẽ không cần lực lượng nhân sự chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu để quản trị, vận hành. Vì thế, phát triển và sử dụng nền tảng số được coi là chìa khóa, giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, toàn diện hơn và hiệu quả hơn.

Bộ TT&TT đã xây dựng và ban hành Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, với mục tiêu hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Trong năm 2022, Bộ TT&TT cũng sẽ triển khai thí điểm Chương trình đưa người dân lên các nền tảng số, trong đó, ưu tiên phục vụ một số nhóm nhu cầu cơ bản, phổ biến của người dân như: Thông tin liên lạc; Đi lại; Mua sắm, thương mại điện tử; Cập nhật tin tức; Học tập; Sức khỏe; Du lịch; An toàn thông tin mạng; Thanh toán.

Vân Anh

Hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số

Hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số

Một mục tiêu của Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia vừa được Bộ TT&TT phê duyệt là hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số.