Cách tiếp cận mới trong đào tạo kỹ năng số
Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) phổ cập về kỹ năng số là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia được xác định ưu tiên phát triển, phục vụ chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Là nền tảng do Bộ TT&TT là cơ quan chủ quản, OneTouch được xây dựng để phổ cập kỹ năng số cho mọi đối tượng, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân nói chung; phổ cập kỹ năng số nâng cao theo hướng cá nhân hóa, đào tạo về kỹ năng, quyền và trách nhiệm của công dân số.
Từ đầu tháng 4/2022, tại sự kiện khai giảng chương trình bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số năm 2022 cho lãnh đạo, cán bộ của đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành, địa phương, Bộ TT&TT đã khai trương nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch tại địa chỉ onetouch.mic.gov.vn
Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia, trong năm 2022, Bộ TT&TT có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số cho tối thiểu 10.000 lượt cán bộ nhà nước, phổ cập kỹ năng số cơ bản cho tối thiểu 10 triệu lượt người dân. Các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số giúp thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia và tạo ra thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ số.
Việc xây dựng và đưa vào hoạt động nền tảng học trực tuyến mở đại trà chính là cách tiếp cận mới trong bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng. Nếu như trước đây các khóa học trực tiếp với số lượng tham gia hạn chế thì hiện nay cách làm mới là xây dựng tài liệu số và tổ chức học trên nền tảng số.
Nửa đầu năm 2022, Bộ TT&TT đã hoàn thành 3 khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 1.648 công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương trên nền tảng OneTouch. Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, Bộ TT&TT bắt đầu tổ chức phổ cập kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân tại 63 địa phương và bồi dưỡng về chuyển đổi số cho lãnh đạo UBND cấp xã. Đến nay, có gần 6 triệu lượt truy cập vào nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch. Tổng cộng 117.158 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương được bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số.
Riêng với các địa phương, bên cạnh những chương trình tập huấn tự tổ chức, đã có hơn 41.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng về chuyển đổi số qua nền tảng OneTouch. Nhiều tỉnh thành như Hải Phòng, Nghệ An, Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Nam, Tiền Giang, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Dương… chỉ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức bằng phương thức trực tuyến qua nền tảng số.
Để thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ TT&TT vừa đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng và tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho các đối tượng phù hợp, trong đó ưu tiên hình thức bồi dưỡng, tập huấn qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà.
Hướng dẫn kỹ năng số cơ bản cho ít nhất 10 triệu người dân
Đối với các Tổ công nghệ số cộng đồng, tính đến hết tháng 9/2022, đã 159.132 lượt truy cập, tham gia khóa tập huấn dành riêng cho đối tượng này trên nền tảng OneTouch. Cũng trong tháng 9, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Chuyển đổi số quốc gia đã phối hợp với Trung ương Đoàn, các địa phương và các doanh nghiệp ICT tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho Tổ công nghệ số cộng đồng tại 55/63 tỉnh, thành phố.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Vietnam Post, một trong những doanh nghiệp đồng hành triển khai chương trình bồi dưỡng kỹ năng số cho các Tổ công nghệ số cộng đồng cho biết, việc cử nhân sự tham gia đào tạo cũng là tiền đề để các dịch vụ số của đơn vị như sàn thương mại điện tử Postmart, ví PayPost… đến gần hơn với người dân. Với việc huy động doanh nghiệp ICT tham gia chương trình, Bộ TT&TT mong muốn tạo sự gắn kết doanh nghiệp với các địa phương, đồng thời mở rộng thị trường sản phẩm, dịch vụ.
Hiện nay, các thành viên của hơn 61.000 Tổ công nghệ số cộng đồng trên cả nước với nòng cốt là lực lượng thanh niên đã và đang “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số. Riêng trong “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số”, Bộ TT&TT đặt mục tiêu tối thiểu 10 triệu người dân Việt Nam được phổ biến, hướng dẫn các kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, sử dụng phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản và sử dụng các nền tảng số Việt Nam khác do địa phương lựa chọn để giải quyết bài toán của mình.
Vân Anh