Trên cơ sở xem xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về Chương trình phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2026, ngày 12/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ này chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới. Từ ngày 15/3, Bộ VHTT&DL đã mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, tương đối thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho du khách và các hoạt động du lịch tại Việt Nam.
Trước đó, trao đổi tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III diễn ra hồi giữa tháng 12/2021, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, ngành du lịch Việt Nam không tránh khỏi những “chao đảo”, buộc phải có bước chuyển mình để thích ứng. Đồng thời, vị đại diện cũng chỉ rõ chuyển đổi số là “bàn đạp” hỗ trợ khôi phục hoạt động của ngành du lịch Việt Nam.
Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm: Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch đã được Bộ TT&TT xác định là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên phát triển.
Xây dựng, phê duyệt nền tảng số quản trị và kinh doanh du lịch là một nhiệm vụ trọng tâm Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số giao Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ VHTT&DL trong năm 2022 (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn) |
Kế hoạch của Bộ TT&TT thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia về quản trị và kinh doanh du lịch đã được ban hành mới đây. Mục tiêu là phát triển nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch xuất sắc cả về công nghệ, tính năng và trải nghiệm, triển khai sâu rộng trên toàn quốc, cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho du khách trước và trong khi thực hiện chuyến đi theo thời gian thực; tối ưu hóa quản lý và phát triển du lịch dựa trên dữ liệu số, làm nền tảng đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số du lịch của từng địa phương và quốc gia.
Bộ TT&TT nêu rõ, kế hoạch cần được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bên, trong đó có đơn vị đầu mối của Bộ TT&TT là Vụ Quản lý doanh nghiệp; Tổng cục Du lịch; đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số/CNTT và các đơn vị liên quan của Bộ VHTT&DL; các Sở VHTT&DL, TT&TT...
Yêu cầu đặt ra là nền tảng phải phục vụ tốt nhất việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế du lịch. Cụ thể là: số hóa dữ liệu ngành du lịch, cập nhật thường xuyên thông tin, dữ liệu số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch; phát triển hệ sinh thái các giải pháp quản trị và kinh doanh du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đẩy nhanh chuyển đổi số...
Năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai kế hoạch gồm có: Phát triển nền tảng số; Thúc đẩy sử dụng nền tảng số quản trị và kinh doanh du lịch để chuyển đổi số, phát triển kinh tế du lịch; Số hóa, mở dữ liệu, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu, hình thành kho dữ liệu số dùng chung giữa cơ quan nhà nước và nền tảng số để thúc đẩy chuyển đổi số; Điều phối, hỗ trợ triển khai và tổ chức đánh giá, công nhận, công bố đạt yêu cầu nền tảng số quốc gia; Thông tin, tuyên truyền, quảng bá về nền tảng số quản trị và kinh doanh du lịch.
Theo lộ trình, từ tháng 3 đến tháng 6, các doanh nghiệp nòng cốt triển khai xây dựng, phát triển nền tảng số quốc gia quản trị và kinh doanh du lịch. Trong các tháng 7, 8, nền tảng được đưa vào sử dụng giai đoạn 1, với quy mô từ 5 - 10 tỉnh, thành phố, trước khi được đánh giá kết quả thử nghiệm làm căn cứ để nhân rộng.
Vân Anh
Đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên mạng qua phổ cập nền tảng số Việt Nam
Bộ TT&TT vừa đề nghị các bộ, tỉnh tập trung thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022 với định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số và triển khai 22 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.