Nếp gấp cảnh báo bệnh động mạch vành thường là một đường chéo 45 độ ở dái tai được gọi là dấu hiệu Frank. Đó là tên của bác sĩ Sanders T. Frank, người đã ghi nhận mối liên hệ giữa biểu hiện này và bệnh tim vào năm 1970.
Trong nghiên cứu liên quan hơn 500 ca khám nghiệm tử thi, nếp gấp dái tai xuất hiện ở 80% số người dưới 40 tuổi bị bệnh động mạch vành.
Theo Insider, một phân tích khác xem xét 241 bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cấp tính và phát hiện 78,8% có nếp gấp dái tai. Các tác giả kết luận đây là một yếu tố dự đoán độc lập về đột quỵ do thiếu máu cục bộ, một trường hợp cấp cứu liên quan đến bệnh động mạch vành.
Nhiều giả thuyết về mối quan hệ giữa các nếp gấp chéo ở tai và bệnh động mạch vành gồm:
Thiếu nguồn cung cấp máu
Các động mạch thường cung cấp cho tai lượng máu giàu oxy để giữ cho mô khỏe mạnh. Nhưng nếu động mạch có vấn đề, tai có thể nhăn lại do thiếu nguồn cung cấp máu.
Thay đổi DNA
Chia sẻ với tạp chí sức khỏe The Lancet, một giáo sư từ Trường Y khoa Bệnh viện Guy ở London (Anh) đã đề cập về yếu tố di truyền tiềm ẩn.
Ông đưa ra giả thuyết những thay đổi trong chuỗi DNA của một nhiễm sắc thể có thể liên quan đến nếp gấp dái tai. Bởi cả hai đều liên quan đến chứng xơ vữa động mạch, nguyên nhân của bệnh động mạch vành.
Mất elastin
Elastin là một loại protein trong cơ thể chịu trách nhiệm về tính đàn hồi và sức mạnh của các mô. Tiến sĩ William Elliott, Đại học Khoa học Y tế Tây Bắc Thái Bình Dương, cho biết việc mất elastin ở tai có liên quan đến việc mất elastin trong các động mạch chính.
Lão hóa
Một nghiên cứu lớn đã phát hiện các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn ở dái tai có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu hơn để xác định nguyên nhân gốc rễ của dấu hiệu Frank.
Khi nào cần đi khám?
Tiến sĩ Arnon Blum, Đại học Bar-Ilan (Israel), là tác giả của nghiên cứu về mối liên hệ giữa nếp gấp dái tai với đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Ông cho biết những người có biểu hiện này nên đến gặp bác sĩ để tầm soát bệnh tim.
Tiến sĩ người Mỹ Alex McDonald cũng khuyến cáo bạn phải đi khám nếu có các triệu chứng khác liên quan bệnh động mạch vành như đau tức ngực lan ra cánh tay trái, đau vai hoặc hàm dưới, đau hoặc sưng chân, khó thở, mệt mỏi.
Vì vậy, người lớn nên kiểm tra huyết áp ít nhất hai năm một lần. Nếu trên 40 tuổi hoặc có một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim như hút thuốc hoặc tiểu đường, bạn cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn.
Bệnh tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Mỗi năm, gần 18 triệu người chết do các vấn đề liên quan tới tim mạch.