Ở công ty tôi, mỗi người đều có 2 lựa chọn: dùng PC desktop do công ty cung cấp hoặc laptop cá nhân cho công việc. Tôi thuộc nhóm tự mang laptop đi làm vì 2 lý do chính: máy của công ty có hiệu năng hơi yếu và tính chất của công việc buộc tôi phải thường xuyên mang việc về nhà làm. Chia tách công việc vào 2 không gian riêng (trên máy công ty và máy cá nhân) sẽ đem lại những phiền toái riêng.
Nhưng bản thân những chiếc laptop cũng không phải là hoàn hảo. Vì dùng máy cấu hình mạnh nên tôi lúc nào cũng phải mang theo sạc. Chuột cũng là phụ kiện bắt buộc, nếu bạn muốn làm việc hiệu quả. Những lúc phải gọi điện với các thành viên đang đi công tác, tôi sẽ phải cắm tai nghe.
Chưa kể, sếp còn cấp cho tôi màn hình cỡ lớn (và độ phân giải lớn). Tôi dám tin rằng bạn sẽ đồng ý với tôi rằng đa nhiệm nhiều cửa sổ trên màn hình 23 inch sẽ dễ chịu hơn màn hình 15 inch rất nhiều. Mà đã dùng màn hình ngoài, bạn hiển nhiên phải cắm thêm bàn phím.
Tiện lợi và... rườm rà
Như thế là chiếc laptop của tôi có thể trở thành ổ cắm cho ít nhất là 5 thứ phụ kiện: sạc, chuột, bàn phím, tai nghe và sạc. Danh sách này chưa dừng ở đây, bởi chúng tôi thi thoảng cũng phải cắm ổ cứng hoặc USB 3G chẳng hạn. Cũng có lúc, chúng tôi phải truy cập vào máy chủ, vốn chỉ có thể truy cập qua LAN chứ không thể vào từ Wi-Fi của công ty. Thế là lại phải mua adapter USB sang LAN để dùng, vì laptop mới phần lớn đã bỏ cổng này.
Tất cả các phụ kiện này đều giúp cho công việc của chúng tôi dễ dàng hơn. Nhưng vì mang laptop đi làm hàng ngày nên mỗi ngày tôi đều phải lắp và tháo các phụ kiện này ít nhất 1 lần. Tệ hơn, mỗi lần cầm lap đi họp, tôi đều phải tháo cả đống phụ kiện và sau đó nửa tiếng lại lần lượt cắm chúng trở lại.
Có những lúc tôi lười chỉ cắm chuột. Một lúc sau, thấy chữ viết trên màn hình nhỏ tí, lại cắm màn ngoài vào. Thật sự bất tiện, nhất là vào những lúc tôi cảm thấy "bad day" ở công ty.
Thay đổi trải nghiệm
May mắn là sếp tôi cũng có vấn đề tương tự. Tuần này, sếp ký giấy cho phép các nhân viên đã đăng ký laptop được nhận thêm 1 phụ kiện từ công ty: dock laptop.
Ngay lập tức, cuộc sống của tôi ở công ty được cải thiện 1000%. Dock laptop đơn giản chỉ là một "cục" kết nối chứa rất nhiều cổng. Loại dock mà tôi đang dùng có 4 cổng USB-A, 1 cổng HDMI, 1 cổng DisplayPort, 1 cổng mạng, 1 cổng tai nghe và cả 1 cổng USB nữa.
Tức là, tôi có thể thoải mái gắn vô số phụ kiện vào laptop của mình mà không còn phải mệt mỏi vì tháo lắp nữa. Tất cả những gì tôi cần làm chỉ là lắp và tháo cổng USB-C mà thôi.
Quá nhiều lợi ích
Những lợi ích của thứ phụ kiện chẳng mấy ai để ý này không dừng lại ở đây. Vì USB-C là cổng sạc trên nhiều mẫu laptop mới nên tôi thậm chí còn không cần mang sạc laptop của mình đến công ty.
Không có USB-C cũng chẳng sao cả. Đồng nghiệp tôi sử dụng lap có USB 3.0, kết nối với dock qua phụ kiện chuyển từ USB 3.0 sang USB-C. Tất cả các phụ kiện vẫn kết nối một cách hoàn hảo. Tuy không thể sạc pin theo cách này nhưng do laptop đã đảm nhận thay trọng trách hiển thị nên thời lượng pin nói chung vẫn gia tăng.
Cũng có cả những loại dock sạc có thể lắp trực tiếp vào thân máy, đặc biệt là với các dòng laptop làm việc của HP, Dell hay Lenovo ThinkPad. Một tiếng "click" và ngay lập tức các loại laptop này đã vừa được sạc pin, vừa kết nối đủ màn hình, chuột, phím, tai nghe v...v...
Bây giờ thì bất cứ ai dùng laptop riêng cho công việc tại công ty tôi cũng đều đã được cấp dock sạc. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ cần lắp (và tháo) cổng USB là đã có thể tận hưởng đầy đủ các phụ kiện giúp biến laptop thành một công cụ làm việc hiệu quả không kém gì desktop.
Theo GenK