Sáng 20/6, sau khi nghe tờ trình và thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Nói về sự cần thiết của luật này, Đại biểu tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Xuân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh) cho biết, về pháp lý đây không phải lực lượng thành lập mới mà thực chất là sắp xếp, tổ chức lại lực lượng đã có, gồm công an xã bán chuyên trách, dân phòng và bảo vệ dân phố.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân phân tích thực tế hiện nay, tất cả vụ việc an ninh trật tự, tranh chấp, khiếu kiện, xung đột đều diễn ra tại địa bàn cơ sở thôn, buôn, tổ dân phố, cộng đồng dân cư. Nên lực lượng này sẽ làm cầu nối, cánh tay nối dài cùng lực lượng công an xã chính quy.
Ngoài ra, lực lượng này có sẵn ở trong dân, nắm tình hình, cơ bản được đào tạo huấn luyện, có kiến thức về an ninh trật tự. Trong đó, lực lượng công an xã bán chuyên trách có nhiều người được đào tạo đến trung cấp CAND nên có trình độ, khả năng công tác.
"Đây là lực lượng từ nhân dân mà ra, am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết, nắm tình hình trong dân tốt hơn", đại biểu Xuân nhấn mạnh một lần nữa về sự cần thiết ban hành luật.
Nữ đại biểu tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong phong trào xây dựng an ninh trật tự ở cơ sở và bảo vệ an ninh Tổ quốc thì chính lực lượng này là hạt nhân, nòng cốt. Cùng với các đoàn thể chính trị xã hội của phụ nữ, thanh niên, nông dân,…thì lực lượng này sẽ góp phần bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.
Tuy nhiên ĐBQH đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu lại nhiệm vụ của lực lượng này cần phù hợp với trình độ, khả năng. "Thực tế đây không phải là lực lượng chính quy, được đào tạo bài bản tuy nhiên họ được đào tạo một số kiến thức cơ bản về an ninh trật tự. Cho nên tôi cho rằng lực lượng này đáp ứng được yêu cầu là lực lượng tham gia an ninh ở cơ sở", bà Xuân nêu.
Dự thảo luật cần thể hiện rõ đây là lực lượng hỗ trợ công an xã chính quy, không phải làm thay và không thể làm trùng lặp nhiệm vụ công an xã.
Bà Xuân nêu thực tế, công an xã chính quy đã được bố trí 100% địa bàn toàn quốc nhưng số lượng còn khá mỏng, có những xã ở địa bàn Tây Nguyên có 5 cán bộ công an xã nhưng vẫn phải thực hiện tất cả yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Cho nên nếu không có lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ thì công an xã chính quy sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ.
Thực tế mấy ngày vừa qua rất nóng về tình hình an ninh Tây Nguyên, theo nữ đại biểu nếu có lực lượng này được hướng dẫn cụ thể, thì sẽ là "tai mắt" phát hiện nhóm đối tượng đi mua bộ đồ rằn ri, chuẩn bị dụng cụ phương tiện.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng tán thành dự cần thiết ban hành luật và cho rằng tình hình an ninh trật tự ở cơ sở, tai nạn, tội phạm…tiềm ẩn nguy cơ phức tạp nên các vi phạm cần phải được ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa.
“Như vụ ở Tây Nguyên vừa rồi cho thấy bài học rất đắt, chưa có quy định cụ thể huy động lực lượng kịp thời nên để xảy ra hậu quả đáng tiếc”, ông Đồng dẫn chứng.
Theo ông, để công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có hiệu quả tốt thì cần có luật, và luật quy định rõ biên chế, ngân sách cho lực lượng này bởi đây là vấn đề khiến nhiều cử tri còn băn khoăn.
Còn đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị làm rõ sự cần thiết ban hành luật này. Ông Vân nêu thực tiễn về vai trò quan trọng của nhân dân trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. "Đụng đến dân là không được. Sự kiện vừa rồi ở Đắk Lắk, nếu không có sự tham gia của nhân dân làm sao nhanh chóng vây bắt được hàng chục đối tượng như thế", đại biểu Lê Thanh Vân chia sẻ.
Cũng nói về vai trò của nhân dân, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (TP Hải Phòng) cho rằng luật vẫn thiếu một lực lượng quan trọng nữa là người dân. Theo ông cần phải có một chương riêng về việc huy động người dân tham gia vào bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đại biểu Chu Hồi nhấn mạnh, bảo vệ trật tự an ninh cơ sở thì cần phải dựa vào dân, "thiếu người dân thì thiếu cơ bản". Nếu chỉ củng cố lực lượng bảo vệ trật tự an ninh cơ sở mà không có thêm người dân thì sẽ giống quả bóng cao su.