Thử tưởng tượng về một thế giới, nơi chúng ta không thể tin tưởng vào các báo cáo về xung đột toàn cầu, hành vi sai trái và thiên tai... Ở đó, mọi thứ đều sai trái và sự thật giống như tình tiết mang tính viễn tưởng, con người sẽ sống ra sao?
Những tiến bộ trong việc số hóa cho phép tạo ra hình ảnh, âm thanh và video theo những cách mà con người của 10 năm trước không thể tưởng tượng ra. Với việc công khai và dân chủ hóa trong sử dụng AI, machine-learning... Chính xác thì, công nghệ đã cho phép tạo ra những sản phẩm giả tinh vi và rất khó để phân biệt.
Tương lai đã ở đây và hoàn toàn có thể tiệm cận với những gì bạn thấy trong phim khoa học viễn tưởng: Vài giờ ghi âm giọng nói của 1 người, bạn có thể tạo ra bản ghi âm khác, cũng với giọng nói đó nhưng nói bất cứ thứ gì mình muốn; vài trăm bức ảnh chụp 1 người, bạn có thể ghép khuôn mặt đó vào bất cứ ai với biểu cảm và chuyển động mượt mà như thật.
Hãy xem người ta dùng AI để làm giả cựu Tổng thống Obama như thế nào:
Kết hợp tất cả những thứ kể trên, hoàn toàn khả thi để tạo ra video giả về một lãnh đạo tầm cỡ thế giới, nghiêm trọng hơn, nhân vật đó có thể nói ra những gì bạn (hay kẻ xấu) muốn: Phát động chiến tranh, thông báo về các cuộc tấn công hạt nhân...
Trên thực tế, công chúng lại dễ dàng bị qua mặt. Những thông tin sai lệch, những gì giả mạo và xấu xí nhất được các phương tiện truyền thông xã hội phát tán một cách chóng mặt. Khiến người ta thôi nghi ngờ về tính trung thực của nó.
Ngay bây giờ và tương lai gần, con người đang tự đưa nhau đến kỷ nguyên kỹ thuật số đen tối. Nếu con người dùng địa đàng để ví von cho mảnh đất lý tưởng để sinh sống trong hoan lạc, thứ chúng ta sắp đối mặt chính là phản địa đàng (dystopian), trái ngược hoàn toàn với định nghĩa tích cực.
Nếu truyền thông giả mạo là một loại virus - Mạng xã hội chính là vật chủ
Facebook, YouTube và Twitter không chỉ cho phép nội dung giả tồn tại, những nền tảng này còn tỏ ra "yêu thích" chúng.
Mô hình kinh doanh cốt lõi của những người khổng lồ mạng xã hội là: Khiến người dùng click, like và chia sẻ nhiều nhất có thể. Trên thực tế, thông tin giả mạo giật gân, phóng đại hoặc tiêu cực hóa vấn đề thường có sức hút gấp nhiều lần thông tin tích cực.
Đó vừa là lỗi của các phương tiện truyền thông xã hội, vừa do tâm lý của con người. Trên thực tế, các nền tảng nói trên cần phải có trách nhiệm hơn trong việc kiểm duyệt thông tin, tránh clickbait và hướng tới nội dung đáng tin cậy hơn.
CEO Facebook, Mark Zuckerberg đã nhiều lần hứa hẹn về điều này trong phiên điều trần với Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, việc đó phải bắt đầu từ chính người dùng chứ không phải tổng đà chủ của bất cứ nền tảng nào.
Nếu coi tin tức giả mạo là virus, phương tiện truyền thông xã hội là vật chủ thì các nhà quảng cáo (advertisers) chính là vaccine. Vì sao?
Hầu hết nền tảng truyền thông xã hội tồn tại nhờ doanh thu từ quảng cáo. Có thể tiếp cận được người dùng chính là sức mạnh vĩ đại và cần được sử dụng vì sự phát triển của xã hội, quảng cáo là một trong những giải pháp để giết chết tin tức giả.
Trên thực tế, khi Facebook vẫn đang đau đầu vì tin giả, người Trung Quốc đã làm được điều mà truyền thông phương Tây phải học tập: Dùng chính mạng lưới người dùng khổng lồ để vạch trần tin giả.
Bí quyết chính là tính năng "WeChat rumor debunking assistant" (trợ lý vạch trần tin đồn trên WeChat), mà WeChat tuyên bố có khoảng 300.000 người sử dụng mỗi ngày.
Đây là cách chương trình "mini" này hoạt động: Trang đầu tiên hiện thị nguồn cấp dữ liệu các bài viết đã bị vạch trần gần đây, với ô tìm kiếm ở trên cùng, nơi bạn có thể tìm kiếm các cụm từ và bài viết liên quan đến chúng.
Phần tiếp theo (liên quan trực tiếp đến người dùng) biên soạn tất cả các bài viết lan truyền tin giả mà bạn đã đọc hoặc chia sẻ. Phần cuối cho thấy số lượng bài viết đã bị vạch trần và "fact-checker" (người xác minh thông tin) là ai.
Ngoài lực lượng người dùng đông đảo, WeChat nói rằng họ có đội ngũ hơn 800 fact-checker từ bên thứ 3, gồm 289 tổ chức trong hệ thống quản lý dược phẩm và thực phẩm Trung Quốc, 5 trung tâm truyền thông cấp tỉnh và 32 văn phòng kiểm soát tại địa phương. Các tổ chức khác cũng có thể đăng ký tham gia chương trình xác minh thông tin, miễn là có đủ điều kiện và tài liệu cũng như tài khoản WeChat công khai đã được kiểm duyệt.
Ngoài ra, WeChat rumor debunking assistant sẽ gửi thông báo đến tài khoản WeChat nếu bài viết bạn đã đọc bị "bóc phốt". Với 19,7 triệu người dùng (tính đến cuối năm 2017), hơn 1 triệu bài viết sai sự thật trên WeChat đã bị vạch trần, hơn 180.000 tài khoản công khai bị trừng trị.
Chương trình vạch trần tin đồn trên WeChat đã được triển khai nửa năm sau khi Facebook bị chỉ trích nặng nề vì để tin giả phát tán vào năm 2016.
Đến tháng 12/2016, Facebook bắt đầu dùng thuật toán xác minh thông tin dựa vào những "report" của người dùng. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn thất bại vì để lọt tin giả, trong khi những báo cáo vô căn cứ khiến thông tin thật ít xuất hiện hơn trên News Feed.
Theo một báo cáo của The Guardian vào năm ngoái, trong khi người ta còn đang tranh cãi tin tức trên Facebook là giả hay thật, nó đã làn truyền đến mức không ngăn cản được nữa. Ngoài ra, đội ngũ của Facebook hầu như không thể xem trước vì số lượng bài đăng mới quá khổng lồ.
Tương lai vẫn chưa vượt quá tầm kiểm soát của con người, nhưng nó rất mong manh. Nếu tiếp tục đi theo quỹ đạo của thập kỷ trước, chúng ta sẽ rơi vào kỷ nguyên kỹ thuật số mà trong đó, sự thật là một trong những khái niệm bị xóa bỏ.
Mặt khác, nếu nỗ lực thay đổi, Internet sẽ về với đúng tôn chỉ mục đích ban đầu khi nó được tạo ra và, con người có thể khai thác sức mạnh tuyệt vời này mãi mãi.
Theo GenK