Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chiều 10/8 tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị do Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đồng chủ trì.
Hội nghị lần này là dịp để cơ quan chủ trì soạn thảo lắng nghe ý kiến phản biện của MTTQ Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, trên cơ sở đó tổng hợp, phân tích, đánh giá, tiếp thu ý kiến xác đáng để bổ sung vào báo cáo quy hoạch.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch ở cấp cao nhất theo quy định của Luật Quy hoạch và lần đầu tiên được triển khai ở nước ta. Ông nhấn mạnh việc xây dựng quy hoạch là nhiệm vụ khó, chưa có tiền lệ. Đồng thời, đây là bước cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tập trung vào việc phân bổ các tổ chức, các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường....
Ông Dũng cho biết, việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ lớn, phức tạp, cần xác định đây là cơ hội để đánh giá lại thực trạng những vấn đề mang tính tổng thể một cách thực chất, nhằm phát hiện, nhận diện những khó khăn, thách thức; từ đó đưa ra những định hướng mới cho cho đất nước, tạo động lực tăng trưởng mới.
Đông Nam Bộ tạo nhiều việc làm nhất nhưng tỷ lệ thất nghiệp cao nhất
PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định vì đây là bản quy hoạch tổng thể quốc gia cho nên, điều đầu tiên cần phân tích đánh giá là điều kiện tự nhiên, những yếu tố ảnh hưởng đến lợi thế, bất lợi của đất nước.
Ông phân tích, cấu trúc hình dáng tự nhiên của nước ta có tỷ lệ chiều dài đường biên giới (bao gồm cả biên giới biển) và diện tích đất liền của Việt Nam - là rất lớn.
Đây là một đặc điểm khác biệt so với nhiều nước khi biên giới “quá dài, quá nhiều, quá phức tạp” liên quan đến vấn đề bảo vệ lãnh thổ quốc gia, đến “tính mở” và “độ mở” của nền kinh tế, đến chiến lược đối ngoại. Có nghĩa là nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc lựa chọn chiến lược bảo vệ quốc gia, tư duy “mở cửa - hội nhập kinh tế” của đất nước.
Ông đề nghị làm rõ vị thế địa - chiến lược của Việt Nam trong quan hệ tương quan với việc ở trong khu vực - vùng phát triển nào, bên cạnh những nước nào - với quy mô, thực lực, xu thế, triển vọng, chế độ chính trị - kinh tế - xã hội, quan hệ láng giềng... Trên thực tế, vị trí gần mỗi nước cụ thể nào đó chứa đựng tiềm năng - khả năng tạo điều kiện thuận lợi hay kém thuận lợi cho công cuộc phát triển của quốc gia “chủ thể”.
Nói về nguồn nhân lực, ông Trần Đình Thiên cho rằng thời gian vừa qua đã làm bộc lộ một số vấn đề đó là nguy cơ thiếu nhân lực kể cả nhân lực chất lượng thấp, cho nên phải có tổng kết về chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam, cho đến bây giờ vẫn còn nặng về quan điểm “lao động rẻ tiền” mà không chú ý đến triển vọng tương lai.
Sức hấp dẫn lao động của vùng Đông Nam Bộ lớn nhất, tỷ trọng lao động tăng lên, song các chỉ số phát triển kinh tế phản ánh vị thế và xu thế của vùng lại suy giảm mạnh, đặc biệt là so với các vùng kinh tế phía Bắc (thể hiện qua các chỉ số GDP, xuất - nhập khẩu, năng suất lao động, …). Ông đặt vấn đề, tại sao Đông Nam Bộ là vùng tạo nhiều việc làm nhất, có sức hấp dẫn lao động cao nhất lại có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất? Mức độ rủi ro xã hội của lao động cũng cao nhất (thể hiện qua đợt tháo chạy lao động trong đợt dịch Covid-19).
Ông cho rằng trong quy hoạch tổng thể quốc gia không chỉ phân tích số lượng nhân lực tăng giảm mà còn phải đưa ra “động thái và tình thế nguồn nhân lực”. “Nguồn lực quyết định tương lai cho nên phải nhìn về tương lai. Việc phát triển dân số lao động theo hướng tiếp cận công nghiệp hóa cần được đánh giá đầy đủ hơn”, ông lý giải.
Ông cùng bày tỏ qua đợt đánh giá nhân lực trong quy hoạch tổng thể sẽ nói lên những vấn đề then chốt của tư duy công nghiệp hóa, trong phát triển công nghiệp, phát triển đô thị.
Về cơ cấu kinh tế theo vùng, theo ông Thiên, đây cũng là cơ hội để đánh giá lại sự chuyển dịch, phát triển của từng vùng khi vừa qua có những điều “hơi bất thường”. Ông dẫn chứng, vùng Đông Nam Bộ đã từng tạo ra khối lượng sản xuất chiếm 45% GDP, nhưng 10 năm vừa qua suy giảm khi những tiềm năng không được phát huy.
Sự suy giảm tỷ trọng cơ cấu và xu thế tương đối “tụt hậu phát triển” của vùng Đông Nam Bộ là vấn đề đáng được quan tâm làm rõ hơn ở tầm quốc gia. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng công nghiệp 10 năm qua của vùng này đạt thấp (chưa bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng công nghiệp của vùng Đồng bằng Sông Hồng, chỉ bằng 2/3 tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước)...
Hay vùng như Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với chiều dài 1.300km, ông Thiên nêu điểm bất hợp lý khi tỉnh đầu và tình cuối không liên quan đến nhau theo liên hệ kinh tế, ví dụ như Thanh Hóa, Nghệ An với Bình Thuận. Ông cho rằng việc chia thành tiểu vùng theo như dự thảo quy hoạch là hợp lý. Từ những ví dụ này, ông Thiên cho biết, đánh giá vùng cần phân tích tương quan sự phát triển địa phương trong vùng sau đó đưa ra nhận định, góp ý cho chiến lược quốc gia.
Về bối cảnh của lợi thế, PGS Trần Đình Thiên góp ý nên làm rõ thêm “lợi thế của người đi sau để có thể đi trước”, “xuất hiện những lợi thế mà trước đây có thể là bất lợi thế”. Dẫn chứng cụ thể về năng lượng tái tạo, năng lượng gió ngoài khơi, ông Thiên cho biết nếu thực sự khai thác tốt thì Việt Nam sẽ là “tay chơi” trên bản đồ năng lượng toàn cầu trong tương lai. “Quảng Bình toàn nắng, cát, gió rồi hang động trước kia ai gọi là lợi thế nhưng bây giờ lại là lợi thế”, ông nói.