Các fan của Apple đều biết đến chiến lược "S" nổi tiếng của Steve Jobs. Từ iPhone 3G, Apple sẽ luôn tái sử dụng một thiết kế trên 2 đời smartphone trước khi đặt chân lên thiết kế mới. iPhone 3G có iPhone 3GS nối tiếp, iPhone 4 có 4S... Tổng cộng, đến nay Apple đã có 4 chiếc iPhone "S".
Dù đáng thất vọng nhưng đây không hẳn là một chiến lược vô lý. Việc tái sử dụng thiết kế cũ trên các đời S cho phép Apple có thể dành một năm để tập trung nghiên cứu vào các tính năng phần cứng/phần mềm mới. Ví dụ, iPhone 5s có vi xử lý 64-bit và cảm biến vân tay.
Thế nhưng, trong 3 năm gần đây, chiến lược S của Apple đã bị khai tử theo cách... không thể ranh mãnh hơn.
Năm 2015, Apple ra mắt iPhone 6s. Về mặt lý thuyết, đây là một chiếc iPhone S đích thực khi cho người dùng nhập liệu bằng cách thay đổi lực nhấn. Nhưng về mặt thực tế, 3D Touch không phải là một tính năng có thể sánh ngang tầm với Siri của 4S, chip 64-bit và cảm biến vân tay của 5s hay Face ID của iPhone X.
Năm 2016, Apple lại càng gây thất vọng hơn nữa khi ra mắt một chiếc "iPhone 6s II" với vẻ ngoài gần như không hề thay đổi. Tính năng mới đáng chú ý nhất là một nút Home có cảm giác nhấn dở tệ. Về thiết kế, Apple đơn thuần là đẩy 2 dải antenna lên phía trên và dưới. Ấy vậy mà Apple vẫn gọi tên chiếc iPhone đó là iPhone 7.
Đến năm nay, Apple không ra mắt iPhone 7s. Nhưng chiếc iPhone 8 của Apple có lẽ có thể gói gọn trong câu "iPhone 7, nay đã có thêm kính". Điều này có nghĩa rằng iPhone 8 là một bản nâng cấp cấu hình từ iPhone 7, về mặt thiết kế là anh em sinh đôi (thêm kính) của iPhone 7. Sự thay đổi nửa vời này đã khiến cho iPhone "8" nhìn chẳng khác biệt mấy so với 3 đời iPhone đi trước, cùng lúc lại dày hơn và nặng hơn.
Nói một cách công bằng, chuyện không thay đổi quá nhiều về thiết kế phần cứng cũng không phải là hiếm có trong thế giới smartphone. Như trường hợp của Samsung chẳng hạn, thiết kế từ thời Galaxy S6 đến nay vẫn thuộc chung một ngôn ngữ. Nhưng hãy nhớ rằng các fan của Apple luôn chờ đợi những điều thực sự mới khi Apple đánh số mới. 2 chiếc iPhone 7 và 8 không đi theo sự mong đợi đó.
Và thực tế thì Apple năm nay cũng có một chiếc iPhone có thể coi là "hoàn toàn mới: iPhone X. Từ Face ID đến tỷ lệ màn hình "dị", Apple cho thấy tinh thần sáng tạo và thách thức người dùng của Steve Jobs vẫn còn tồn tại.
Và đi kèm với tinh thần ấy là mức giá trên trời: 1000 USD. Đi kèm với mức giá "trên trời" là tỷ suất lợi nhuận được đánh giá vào khoảng 60%, cao hơn cả những chiếc iPhone từ trước đến nay.
Muốn bán được iPhone nghìn đô, Apple không thể thực hiện chiến lược như mọi năm. Và thế là Tim Cook đặt ra tạo ra một chiếc iPhone "nửa cũ nửa mới" làm bước đệm, xếp chiếc iPhone đó vào mức giá gốc gần với mọi năm (700 USD). Sử dụng chiếc iPhone 8 "nửa cũ nửa mới", kết hợp cùng cơn bão thông tin về vấn đề nguồn cung hay những tranh cãi xung quanh Face ID, Apple đã giúp cho iPhone X sốt như chưa bao giờ từng sốt.
Cook đã làm được điều mà Steve Jobs có lẽ sẽ không bao giờ làm được: đưa Apple chạm giá trị thị trường 900 tỷ USD. Nhưng Cook cũng đã làm điều Jobs không bao giờ nghĩ đến: sử dụng một chiếc iPhone "mới" (hoặc ít nhất là có số mới) làm đòn bẩy kinh doanh.
Thời của Jobs, iPhone có số mới là phải có thiết kế mới... Nhìn vào iPhone của năm nay, ai cũng hiểu cái thời ấy đã qua rất xa, rất xa rồi.
Theo GenK