Không thể can thiệp bằng cách phi thị trường
Quốc hội chiều 7/11 thảo luận tại tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi).
Nói về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết trong tờ trình của Chính phủ có đoạn rất dài nói về quỹ này nhưng trong dự thảo luật chỉ dùng là quỹ bình ổn giá.
"Nếu chúng ta xác định Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một quỹ cần thiết phải giữ thì phải có chế định riêng cho quỹ này", ĐB Trịnh Xuân An cho biết và cho rằng cần có đánh giá rất kỹ.
Theo ông, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ ở một giai đoạn nhất định, còn trong dài hạn phải nghiên cứu để tiến tới bỏ quỹ này. Bởi thực chất quỹ không phản ánh tính chất bình ổn như thông thường. Có những thời điểm quỹ bị âm và khi giá giảm lại phải trích. Như vậy, không có tác động đến giá xăng dầu.
Xăng dầu là loại hàng đặc biệt nên phải có chế định đặc biệt để quản lý nhưng không thể can thiệp bằng cách phi thị trường. Cơ quan hữu quan có thể điều tiết thông qua cơ chế thuế, phí còn quỹ này đi thu của người tiêu dùng, giao cho doanh nghiệp quản lý. Vì thế, ĐB đề nghị không nhất thiết phải giữ.
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho biết, theo luật hiện hành quy định trường hợp cần thiết Nhà nước lập quỹ bình ổn, nhưng thực tế chỉ có Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Ông Giang nhận xét, vừa qua điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu “rất có vấn đề”. Theo quy định, nguồn hình thành quỹ này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/lít).
ĐB ví von: "Bà nội trợ hôm trước đi mua hàng hoá rẻ, bảo bà bán hàng ‘cho tôi gửi 300 đồng, mai tôi đi mua, nếu hàng đắt hơn thì bà phải bù cho tôi. Nhưng ngày mai hàng lên giá thì bà được trích ngày hôm trước lại không đi mua, mà là người khác mua".
Ngoài ra, giá thế giới liên tục tăng như vừa qua thì quỹ bị âm, khi giá thế giới giảm sẽ trích lập lại vào quỹ cho tới khi dương trở lại. Cuối cùng, giá xăng dầu trong nước không tiệm cận với giá thế giới, khi giảm thì giảm rất chậm.
Cũng có thống kê cho thấy, một năm qua mặt hàng dầu đã trích lập nhiều hơn nhưng được bù ít hơn, còn xăng trích ít hơn lại được bù giá nhiều hơn từ quỹ. Từ phân tích này, ông Giang đề nghị bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu.
Về hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá, ông Giang cho rằng, tương tự với danh mục hàng hoá bình ổn, luật sửa đổi đưa ra danh mục do Nhà nước định giá và trường hợp cần thiết, Chính phủ trình UBTVQH bổ sung danh mục.
Ông Giang nhận xét, đây là việc can thiệp vào thị trường, nếu can thiệp thì phải rất minh bạch mới đảm bảo được các yếu tố của thị trường.
"Không cổ xuý giá cao trên trời" nhưng phải bán đúng giá trị
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) bày tỏ dự thảo vẫn chung chung, "quay đi quay lại" vẫn là lựa chọn một số mặt hàng thiết yếu, cho kê khai giá, Nhà nước xem xét giá kê khai có phù hợp hay không. Nữ ĐB nhấn mạnh cách này là không ổn, bởi doanh nghiệp kê khai giá không có nhiều tác dụng, cần quy định cụ thể hơn.
Bà đặt vấn đề, căn cứ nào để duyệt giá, xác định giá cao hay thấp và dựa vào đâu để xử lý, nên xác định biên độ lợi nhuận thì rõ ràng hơn, đi ra ngoài biên độ đó thì bị xử lý.
Dẫn chứng từ trong dịch bệnh, bà cho biết dư luận phản ánh nhiều doanh nghiệp bán hàng cắt cổ, ăn trên xương máu nhân dân, nhưng đã có căn cứ nào xử phạt hay không hoặc các doanh nghiệp bị phản ánh là bán hàng hóa giá cao, nhưng như thế nào là cao.
“Trước đây muốn mua thuốc không phải dễ dàng nhưng tất cả đều thống nhất với nhau từ bán sỉ ra tới bán lẻ, tỷ lệ lời tối đa là 20%. Bây giờ chúng ta không có quy định gì. Nếu chúng ta đã có ý định để Nhà nước can thiệp vào để quản lý thì phải quy định con số này. Tránh việc như bây giờ cứ mua, cứ đấu thầu, rồi một ngày cơ quan điều tra vào cuộc hỏi tại sao mua đắt vậy, cao gấp 2-3 lần giá nhập hải quan... Nếu không có quy định, cao gấp 10 lần cũng không thể nói là đắt được”, bà Lan nói.
ĐB TP.HCM đề nghị tỷ suất, biên độ lợi nhuận phải được quy định ở một số những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như: thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, xăng dầu, lương thực thực phẩm...
Nguyễn Thị Thảo, Phùng Thu THủy, Nguyễn Trần Chung