Theo NYT, chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang ngày một căng thẳng và Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi lớn. Các nhà máy tại Việt Nam đang ngày càng nhận nhiều đơn hàng hơn khi Mỹ áp thuế lên hàng Trung Quốc qua đó khiến nhiều doanh nghiệp xem xét chuyển hệ thống sản xuất của họ sang nước khác.
Hiện tại, ngày càng nhiều hãng công nghệ lớn đang xem xét xây dựng nhà máy ở Việt Nam, nhờ đó biến Việt Nam trở thành một công xưởng sản xuất smartphone và hàng kỹ thuật cao như mong đợi.
Tuy nhiên, thành công không thể đến trong chớp mắt mà cần xây dựng từng bước. Tờ NYT cho rằng Việt Nam cần cải thiện từ việc làm những sản phẩm nhỏ nhất như thiết bị nhựa cho hàng công nghệ cao.
Công ty công nghệ Bắc Việt của anh Vũ Hữu Thắng ở Bắc Ninh chuyên sản xuất các bộ phận plastic nhỏ cho máy in Canon, dụng cụ âm nhạc Korg hay cho điện thoại Samsung. Anh Thắng cho biết doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh với các nhà cung cấp Trung Quốc khi hàng tháng vẫn phải nhập 70-100 tấn nguyên liệu nhựa từ nước láng giềng.
"Việt nam khó lòng cạnh tranh với Trung Quốc. Khi chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu thô từ đây thì thành phẩm đã đắt hơn 5-10% so với Trung Quốc rồi", anh Thắng ngậm ngùi.
Thêm nữa, thị trường nội địa của Việt nam bé hơn nhiều so với Trung Quốc nên các nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa thô sẽ khó lòng chuyển hoạt động sang Việt Nam bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ Trung.
Sắp tới đây, các nhà đàm phán Mỹ Trung sẽ gặp nhau ở Thượng Hải để bàn về một lối ra cho căng thẳng hiện nay. Tuy vậy với nhiều doanh nghiệp, tương lai đã trở nên đen tối rõ ràng khi mối quan hệ Mỹ Trung căng thẳng và đặt nhà máy tại Trung Quốc không còn là một chiến lược khôn ngoan.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt hàng loạt sản phẩm như smartphone, máy chơi điện tử hay các mặt hàng tiêu dùng khác vào dạng đánh thuế đặc biệt từ Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất nước ngoài ở đây cảm thấy áp lực phải tìm một địa điểm mới có chi phí rẻ hơn.
Trong khi hãng Apple đang nhắm tới thị trường Việt Nam và Ấn Độ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng thì Nintendo đã nhanh chóng chuyển bớt dây truyền sản xuất thiết bị chơi điện tử cầm tay của mình từ Trung Quốc qua Việt Nam.
Tập đoàn điện tử Foxconn nổi tiếng của Đài Loan, một đối tác lớn sản xuất iPhones vào tháng 1/2019 cũng đã tuyên bố mua quyền sử dụng đất tại Việt Nam cũng như bơm 200 triệu USD cho thị trường Ấn Độ.
Hàng loạt các nhà máy Đài Loan hay Trung Quốc cũng có động thái tương tự khi nhanh chóng dịch chuyển sang Việt Nam.
Dẫu vậy, NYT cho rằng Việt Nam chẳng thể thay thế Trung Quốc ngay được để trở thành công xưởng của thế giới. Chi phí bất động sản tại Việt Nam không hề rẻ trong khi số nhà máy, nhà kho có thể vận hành được luôn lại chưa đủ cho các tập đoàn quốc tế. Ngoài ra, thiếu hụt nhân công lành nghề và quản lý chuyên nghiệp cũng là thách thức cho Việt Nam.
"Rõ ràng là Việt Nam đang gặp căng thẳng về khả năng cung ứng nguồn lực", Giám đốc điều hành Frederick R Burke của hãng luật Baker Mckenzie tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định. Mặc dù lực lượng lao động Việt Nam tăng trưởng hàng triệu người mỗi năm nhưng các doanh nghiệp vẫn bàn tán về thách thức thiếu nhân lực.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu hệ thống các doanh nghiệp cung ứng những thiết bị chuyên dụng, sản phẩm đặc chủng, nguyên liệu đặc biệt cho các tập đoàn quốc tế như ở Trung Quốc.
Bà Trần Thu Thủy của hãng HTMP, chuyên sản xuất các khuôn kim loại cho nhà máy sản xuất nhựa hoặc thiết bị, cho biết mình rất sẵn lòng nếu được làm việc với Apple nhưng công ty cần phải cải thiện rất nhiều trước khi được đến mức đó.
"Có một danh sách rất dài những việc cần làm để có thể đạt tiêu chuẩn đó", bà Thủy cho biết.
Việt Nam hiện là một công xưởng lớn của thế giới trong mảng sản xuất giày dép, quần áo và những sản phẩm cần nhiều lao động, vốn là mô hình Trung Quốc đã từng áp dụng.
Hiện tại, Nike và Adidas sản xuất một nửa số giày của họ tại Việt Nam. Thậm chí chính phủ Việt Nam đã xây dựng, nâng cấp thêm đường xá, cảng biển và nhà máy điện để trợ giúp những công xưởng này hoạt động.
Tuyệt vời hơn, Việt Nam đã ký hàng loạt thỏa thuận thương mại với nhiều nền kinh tế trên thế giới để giảm hàng rào thuế quan, gần đây nhất là hiệp định với Liên minh Châu Âu (EU).
Mặc dù vậy, chính quyền Washington cũng đã nhận ra việc rất nhiều nhà máy đã dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần theo dõi vì nghi ngờ liên quan đến động thái trợ giá đồng nội tệ để hưởng lợi xuất khẩu. Đích thân Tổng thống Trump đã từng tuyên bố Việt Nam có thể là mục tiêu tiếp theo của các đòn thuế.
Đáp lại, phía Việt nam tuyên bố luôn sẵn sàng trao đổi các lợi ích kinh tế, thương mại song phương với Mỹ. Việt Nam cũng nhấn mạnh sẽ trừng phạt thích đáng những nhà xuất khẩu mạo danh "Made in Vietnam" để né hàng rào thuế của Mỹ.
Thành công từ nhà tiên phong Samsung
Hơn 10 năm trước, hãng Samsung Electronics của Hàn Quốc đã xây dựng nhà máy ở Bắc Ninh để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Động thái này của Samsung ngày nay được đánh giá là sáng suốt khi chi phí nhân lực tại Trung Quốc ngày càng tăng. Doanh số của Samsung tại Trung Quốc cũng gặp khó khăn do chính quyền Bắc Kinh kêu gọi tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc để phản đối cuộc tập trận chung của nước này với Mỹ năm 2017.
Kể từ đó đến nay, Samsung đã đóng cửa hầu như toàn bộ và chỉ để lại 1 nhà máy ở Trung Quốc. Một nửa số sản phẩm công nghệ cầm tay của hãng hiện được lắp ráp tại Việt Nam. Samsung hiện thuê khoảng 100.000 lao động ở Việt Nam và khoảng 1/3 tổng doanh số 220 tỷ USD năm 2018 của hãng là nhờ đóng góp từ đây.
Phát ngôn viên của Samsung cho biết 90% doanh số của hãng có liên quan đến các sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam. Samsung cũng chiếm ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 dù chưa tính đến những lợi ích gián tiếp mà tập đoàn mang lại sau đó. Thành công của Samsung khiến hàng loạt hãng Hàn Quốc tin rằng họ nên đặt nhà máy tại Việt Nam.
"Khi bạn là doanh nghiệp lớn và bạn di chuyển, mọi thứ sẽ đi theo sau bạn", Phó giám đốc Filippo Bortoletti của hãng Dezan Shira tại Hà Nội cho biết.
Dẫu vậy, một số doanh nghiệp Việt Nam cho biết ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại là khá hỗn tạp. Những tập đoàn lớn cho biết họ sẽ đến Việt Nam nhưng vẫn làm việc với các nhà cung cấp cũ ở nơi khác, để lại cơ hội rất nhỏ cho những doanh nghiệp địa phương.
Công ty TNHH Cơ Khí Chính Xác, Dịch Vụ & Thương Mại Việt Nam (VPMS) cho biết khi Samsung mới đến Việt Nam, họ có sử dụng một số sản phẩm kim loại sản xuất của họ. Tuy nhiên khi các nhà cung ứng từ Hàn Quốc tràn sang ngày càng nhiều, Samsung đã ngừng hợp tác với VPMS.
Theo nhà sáng lập Nguyễn Xuân Hoàng của VPMS, giá cả và chất lượng không phải vấn đề mà là sản lượng. Samsung cần lượng lớn phụ kiện nhưng VPMS không thể đáp ứng toàn bộ.
Ở một khía cạnh khác, hãng Fitek của ông Vũ Tiến Cường cũng sản xuất phụ kiện cho Samsung, Canon cùng nhiều hãng công nghệ khác ở Bắc Ninh. Ông Cường cho biết Việt Nam có rất nhiều nhà cung cấp có đủ chất lượng cũng như sản lượng để cung ứng cho các tập đoàn nước ngoài, nhưng cái yếu là họ thiếu kinh nghiệm chứ không phải vấn đề vốn hay trình độ.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Cường cũng cho biết các nhà cung ứng của Việt Nam đang cải thiện hàng ngày và dần lớn lên.
Một trường hợp khác là cô Nguyễn Thị Huệ, 28 tuổi, vốn không biết nhiều về công việc khi khởi nghiệp là một nhà cung ứng năm 2015. Trong thời gian dài, cô Huệ đã phải làm 16 tiếng/ngày cho một công ty khác để có tiền nuôi dưỡng startup của bản thân mang tên Anofa.
Anofa của cô Huệ chuyên cung cấp dịch vụ sửa chữa bề mặt các thiết bị kim loại. Họ đang là nhà cung ứng cho các hãng công nghệ của nước ngoài như LG hay Ducati.
"Chúng tôi thực sự mong chờ điều đó", Luật sư Nguyễn Văn Huân, chồng của cô Huệ nhận xét về thông tin sẽ đến Việt Nam.
Hiện Anofa đã đầu tư nhiều máy móc mới để có thể cạnh tranh đơn hàng từ nhiều công ty nước ngoài.
"Họ có tiêu chuẩn và đòi hỏi rất cao", ông Huân nói.
"Nhưng chúng tôi có thể đáp ứng được", cô Huệ ứng lời.
Theo GenK