Sau đó, anh này đã thiệt mạng “khi đang tham gia vào việc tái chiếm một số hầm hào ở khu vực Donbass”.
“Vấn đề ở đây là liệu chúng ta có khả năng tiếp cận Ukraine hay không… Quốc gia đó giờ là một vùng chiến sự. New Zealand không có nhân lực ở đó, cũng như không có hỗ trợ về mặt lãnh sự trên mặt đất. Điều này vô cùng khó khăn cho chúng tôi ở thời điểm hiện tại”, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói.
Tuy nhiên, bà Ardern khẳng định rằng việc đối mặt với những khó khăn “không đồng nghĩa với chính quyền New Zealand sẽ không tìm kiếm mọi thông tin trong khả năng cho phép, cũng như cố gắng tìm hiểu tình hình”.
“Dù vậy, tôi buộc phải từ chối trả lời những câu hỏi như nơi binh sĩ Abelen thiệt mạng, những ai biết thi thể anh ta nằm ở đâu, hay liệu thi thể anh ấy có nằm trong tay người Nga hay không. Gia đình của hạ sĩ Abelen cũng đã nhận được hung tin, và lượng thông tin họ có ít như chúng tôi”, Thủ tướng New Zealand nhấn mạnh.
The Guardian dẫn lời một số người lính quen biết binh sĩ Abelen kể lại rằng, anh này đã tham gia ‘Quân đoàn quốc tế Ukraine’ và tham chiến ở nơi tiền tuyến “trong vài tháng”.
Giới chức EU nhóm họp để hỗ trợ Kiev
Tờ The Guardian cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp ở thủ đô Prague của Cộng hòa Czech trong tuần này để “thảo luận về những lựa chọn nhằm thiết lập nhiệm vụ huấn luyện quân sự cho các lực lượng vũ trang Ukraine, cũng như xem xét về việc đình chỉ thỏa thuận visa với Nga".
“Cần nói rõ rằng các chương trình huấn luyện quân sự cho binh sĩ Kiev sẽ không diễn ra trên lãnh thổ Ukraine, mà tại các quốc gia láng giềng”, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell nói.
Theo The Guardian, Cộng hòa Czech, nước đang đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của khối EU đang cố gắng thúc đẩy việc đình chỉ thỏa thuận visa với Nga, ý tưởng được các quốc gia thuộc vùng Baltic ủng hộ. Tuy nhiên, Đức và một số thành viên EU khác cùng quan chức Borrell những ngày gần đây đã lên tiếng phản đối động thái trên với lý do “việc này sẽ phá vỡ nhiều luật lệ của EU”.
“Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Phần Lan, những quốc gia có đường biên giới với Nga, sẽ có thể tự áp lệnh cấm khách du lịch nhập cảnh nếu EU không đồng ý với việc đình chỉ thỏa thuận visa với công dân Nga được áp đặt trên toàn khối”, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cảnh báo.