Theo RT và Interfax, hai nhà báo làm việc cho đài truyền hình RAI của Italia cùng hai phóng viên Ukraine là Olesia Borovyk và Diana Butsko cũng bị cáo buộc tương tự.
Cơ quan An ninh Nga (FSB) cho hay, các nhà báo trên sẽ sớm bị đưa vào danh sách truy nã quốc tế. Nếu bị kết tội theo Điều 322 của Bộ luật Hình sự Nga, họ có thể phải đối mặt với 5 năm tù.
Lực lượng Ukraine đã tràn vào Sudzha trong cuộc đột kích xuyên biên giới vào vùng Kursk của Nga hôm 6/8. Dù nhiều cư dân ở Sudzha đã rời khỏi khu vực này nhưng một số dân thường vẫn ở lại.
Walsh là thành viên của một nhóm nhà báo phương Tây đến Sudzha theo lời mời của chính phủ Ukraine. Họ di chuyển bằng xe bọc thép cùng với các binh sĩ Ukraine, quay phim những tòa nhà bị hư hại ở trung tâm Sudzha và nói chuyện với những người dân ở lại.
Phóng viên Anderson Cooper của CNN cho hay, quân đội Ukraine tháp tùng phóng viên Walsh, xem lại các video đã quay trước khi phát vì lý do an ninh. Theo Cooper, người Ukraine không có quyền biên tập các bản tin của CNN.
CNN đã bác bỏ cáo buộc của Nga và khẳng định hãng này đã đưa tin thực tế, khách quan về quan điểm của cả Nga lẫn Ukraine về cuộc xung đột. Và rằng, nhà báo Walsh đã hành động theo đúng các quyền được Công ước Geneva và luật pháp quốc tế trao cho các nhà báo.
Trong khi đó, Moscow cáo buộc các nhà báo phương Tây vượt biên giới để đưa tin là tuyên truyền thay cho Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong tuần này lập luận, các nhà báo nước ngoài đi cùng quân đội Ukraine đã giữ im lặng về những tội ác chống lại dân thường của Kiev và thao túng dư luận.
Theo các quan chức Nga, ít nhất 31 thường dân đã thiệt mạng và 143 người bị thương trong cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk.
Từ năm 2022, Liên minh châu Âu đã cấm một số tổ chức tin tức của Nga, bao gồm cả RT, cáo buộc họ "thao túng thông tin một cách có hệ thống" liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Moscow đã đáp trả bằng cách cấm hàng chục cơ quan tin tức phương Tây.