"Phần Lan và Thụy Điển sẽ bị đặt vào tình thế buộc phải xem Nga như một đối thủ. Ngược lại, Nga sẽ phải thay đổi quan điểm về các quốc gia từng giữ vị thế trung lập", ông Stepanov nói trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Sputnik.
Theo đại sứ Nga, sau khi Liên Xô tan rã, phương Tây đã đưa ra một lựa chọn nguy hiểm về mô hình an ninh và ổn định trong tương lai.
"Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và các đồng minh đã bỏ qua cơ hội xóa bỏ những chia rẽ từng tồn tại ở châu Âu và tạo ra một khuôn khổ an ninh mang tính toàn diện, không thể chia cắt tại châu Âu, với sự đảm bảo bình đẳng cho mỗi quốc gia trải dài từ Vancouver (Canada) đến Vladivostok (Nga). Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách của Washington đã chọn mở rộng NATO và phớt lờ những lo ngại về an ninh của Nga", ông Stepanov nói.
Đại sứ Nga tại Canada cảnh báo, sự mở rộng của NATO, đặc biệt là khả năng gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng. “Dù NATO có tuyên bố ra sao, thì đó vẫn là một hành động nhằm đưa mối đe dọa hạt nhân đến trước cửa ngõ của nước Nga“, ông Stepanov nói. "Việc Helsinki và Stockholm chấp nhận gia nhập NATO cũng sẽ mở rộng đường biên giới giữa liên minh này với Nga tới hơn 1300km. Lúc đó, các nước láng giềng thân thiện của chúng ta sẽ đột nhiên nhận ra rằng khu vực của mình đang bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng giữa NATO và Nga".
Đại sứ Stepanov nhấn mạnh, Moscow luôn tôn trọng truyền thống không liên kết quân sự cùng hình mẫu chung sống ổn định với Nga của Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, Mỹ và NATO đang sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để lôi kéo 2 quốc gia này từ bỏ chính sách chung sống hòa bình, và biến Bắc Âu từ khu vực quân sự không liên kết, ổn định và thịnh vượng thành một nơi có nguy cơ bùng phát xung đột.
Ông Stepanov cũng lưu ý rằng, Phần Lan và Thụy Điển cần đánh giá tình hình kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định về việc gia nhập NATO, bởi những quyết định như vậy không thể bị đảo ngược. “Liệu Phần Lan và Thụy Điển có thật sự muốn bị lôi kéo vào căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và phương Tây với Nga hay không? Chúng ta đều là các nước láng giềng, nên cái giá phải trả cho trách nhiệm của ba nước chúng ta sẽ cao hơn nhiều so với những hệ tư tưởng từ Washington”, vị đại sứ cho biết với Sputnik.
Phần Lan và Thụy Điển bắt đầu thảo luận về khả năng từ bỏ vị thế trung lập truyền thống và gia nhập NATO, trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo giới chức Mỹ, Thụy Điển dự kiến sẽ chính thức đệ đơn gia nhập NATO vào cuối tháng 6, trong khi Phần Lan có thể đưa ra quyết định tương tự ngay trong tháng này.
>>> Đọc tin thế giới trên VietNamNet
Việt Anh