Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/8 tuyên bố, trong đêm qua, các hệ thống phòng không nước này đã tiêu diệt 10 chiếc UAV, và 3 UAV khác đã bị hệ thống tác chiến điện tử đánh chặn. Cuộc tấn công không gây ra thương vong về người và thiệt hại vật chất.
Theo hãng tin RT, trong những tháng gần đây, Kiev bị cáo buộc tăng cường triển khai các cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào Crưm.
Hồi tháng Bảy, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đã ngăn chặn một cuộc tấn công quy mô lớn với sự tham gia của hơn 30 chiếc UAV nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở Crưm.
Đức vẫn từ chối chuyển tên lửa tầm xa cho Ukraine
Hôm 3/8, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius một lần nữa bác bỏ khả năng cung cấp tên lửa tầm xa hiện đại Taurus cho Ukraine. Theo ông, việc cung cấp loại tên lửa này cho Kiev hiện không phải là “ưu tiên hàng đầu” của Berlin.
Ông Pistorius nhấn mạnh, những lo ngại của Berlin về việc cung cấp loại vũ khí có "tầm bắn đặc biệt" như Taurus là " điều hiển nhiên". Ông cho rằng, chính Mỹ cũng từ chối trang bị cho Kiev các hệ thống tên lửa tầm xa hơn.
Taurus KEPD 350, do Thụy Điển và Đức cùng sản xuất, là tên lửa phóng từ trên không, có đầu đạn nặng 500kg, và tầm bắn hơn 500km.
Dù Ukraine nhiều lần đề nghị hỗ trợ các loại tên lửa tầm xa, Đức vẫn một mực từ chối. Hồi tháng Bảy, Thủ tướng Đức Olaf Scholz giải thích Kiev có thể sử dụng những vũ khí như vậy để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, và điều này sẽ làm căng thẳng leo thang.
“Chúng tôi đang xem xét cẩn thận tất cả những yêu cầu nhận được. Chúng tôi có một nguyên tắc như đã chia sẻ với Tổng thống Mỹ rằng, chúng tôi không muốn vũ khí mà chúng tôi cung cấp được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga”, ông Scholz nhấn mạnh.