Nhà máy điện hạt nhân Rooppur ở quận Pabna của Bangladesh được Nga xây dựng. Theo hãng tin RT, tổ máy đầu tiên trong số 2 tổ máy của Nhà máy Rooppur có công suất 2.400 MW dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024. Với việc nhận uranium từ Nga, Bangladesh sẽ trở thành quốc gia thứ 33 trên thế giới sử dụng nhiên liệu hạt nhân.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đã có bài phát biểu trực tuyến tại buổi lễ lịch sử này.
“Nga không chỉ xây dựng nhà máy, chúng tôi sẽ hỗ trợ các đối tác Bangladesh trong suốt quá trình vận hành dự án hạt nhân”, Tổng thống Putin nói.
Theo ông Putin, Nga có nghĩa vụ cung cấp lâu dài nhiên liệu cho lò phản ứng, bảo trì nhà máy, và quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Nga cũng sẽ đào tạo nhân sự có trình độ cao cho ngành công nghiệp hạt nhân của Bangladesh.
Truyền thông địa phương đưa tin, lô uranium đầu tiên của Nhà máy Rooppur đã đến Bangladesh vào tuần trước. Nhiên liệu này được sản xuất tại Nhà máy Cô đặc hóa chất Novosibirsk ở Nga, công ty con của tập đoàn Rosatom.
Nhà máy điện hạt nhân Rooppur hiện là dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhất của Bangladesh, và đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch ngưng sử dụng than đá và các nhiên liệu hóa thạch.
Nhà máy được khởi công vào tháng 10/2013, và giai đoạn xây dựng hạng mục chính được bắt đầu vào tháng 11/2017. Nhà máy được xây dựng theo thiết kế VVER AES-2006 (VVER-1200, V-392M) của Nga, và kinh nghiệm vận hành Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh.