Hãng tin AP dẫn lời Tổng thống Ukraine Zelensky tối 8/4 nói, ông muốn thấy một phản ứng toàn cầu cứng rắn hơn đối với Moscow sau khi lực lượng Nga bắn tên lửa vào một ga tàu đông đúc ở Kramatorsk, thuộc vùng Donetsk, phía đông Ukraine, làm ít nhất 52 người chết. Một số nhà lãnh đạo thế giới đã lên án vụ tấn công và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã buộc tội Nga về hành động bạo lực này.
Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ các cáo buộc đồng thời buộc tội Kiev đứng sau vụ tấn công trên.
Sau khi rút khỏi Kiev và các thành phố ở phía bắc Ukraine, các lực lượng Nga hiện đang hướng về vùng Donbass, nơi người dân chủ yếu nói tiếng Nga và cũng là nơi lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn đang giao tranh với quân đội Ukraine suốt 8 năm qua.
Giới chức Ukraine hầu như mỗi ngày đều kêu gọi các quốc gia phương Tây gửi thêm nhiều vũ khí cho nước này đồng thời áp đặt thêm nhiều trừng phạt với Nga, loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, đề nghị EU áp đặt cấm vận toàn diện với dầu và khí của Nga.
Nga cho biết, kể từ năm 2014 đến nay, do cuộc khủng hoảng Ukraine, nước này đã hứng chịu hơn 6.000 trừng phạt khác nhau của Mỹ và các đồng minh. Theo một số nhà kinh tế, Nga đã chính thức trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất, vượt qua cả Iran, Syria và Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt nhằm vào cá nhân, công ty của Nga, gồm cả tịch thu tài sản, đóng băng dự trữ ngoại tệ...
Hãng tin RT dẫn lời cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Peter Piatetsky nói, các biện pháp làm tê liệt kinh tế, từng nhằm vào Iran trong 10 năm qua, đã được thực hiện chỉ trong vòng 10 ngày với Nga.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm qua (8/4) cho biết, các biện pháp trừng phạt lớn mà phương Tây nhằm vào Nga chỉ làm xói mòn thêm hệ thống các thể chế quốc tế hiện có và thẩm quyền của Liên Hợp Quốc.
Theo ông Medvedev, ban đầu, từ trừng phạt chỉ áp dụng cho các biện pháp được Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt. Trong khi đó, mọi thứ mà các nước phương Tây gọi là trừng phạt như hiện giờ không có gì khác ngoài những hạn chế đơn phương, không thể được coi là các biện pháp trừng phạt theo luật pháp quốc tế. Ông Medvedev gọi các biện pháp trừng phạt hiện giờ của Mỹ và các đồng minh là bất hợp pháp.
Ông Medvedev nói, những hạn chế hơn nữa áp đặt lên Nga có thể dẫn tới hệ thống quan hệ quốc tế đi vào ngõ cụt do quan hệ giữa nhiều quốc gia sẽ xuống cấp hoặc bị phá vỡ. "Kết quả cuối cùng sẽ là trật tự thế giới bị phá hủy và gây hậu quả nghiêm trọng với kinh tế toàn cầu".
Các tuyên bố này được đưa ra sau khi EU công bố các lệnh trừng phạt mới với Nga.
Các diễn biến mới ở Ukraine:
- Hãng tin AP dẫn lời Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereschuck nói, hôm nay (9/4) mười hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường đã được mở ở phía đông Ukraine. Các hành lang này sẽ cho phép người dân rời khỏi một loạt thành phố ở vùng Donetsk, Luhansk và Zaporizhzhia.
- Theo CNN, Nga đã phàn nàn với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ về việc quân đội Ukraine sử dụng máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Phát biểu tại một cuộc họp báo, một quan chức Ankara cho hay, nhà chế tạo máy bay không người lái Baykar Technologies là công ty tư nhân và Ukraine đã mua hàng từ trước khi chiến tranh xảy ra.
Trước đó, giới chức Ukraine cho biết, các máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Baykar là một trong những vũ khí hữu hiệu nhất trong kho vũ khí của nước này.
- Các quan chức NATO cho biết, Phần Lan và Thụy Điển có thể sớm gia nhập khối quân sự này. Đây là động thái có thể khiến Nga tức giận.
- Bộ Quốc phòng Anh hôm nay cáo buộc, các lực lượng Nga đang nhắm vào dân thường, một ngày sau khi một nhà ga ở Ukraine bị tấn công, làm ít nhất 52 người thiệt mạng.
Hoài Linh