Trong cuộc phỏng vấn với tờ Parlamentskaya Gazeta của Nga hôm 15/5, theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov, việc Nga chính thức rút khỏi CFE sẽ không ảnh hưởng đến an ninh khu vực.
“Hiệp ước cũ… từ lâu đã không còn phù hợp với thực tế”, ông Ryabkov cho biết thêm, những nỗ lực nâng cấp thỏa thuận chưa bao giờ được hiện thức hóa vì "Mỹ và các nước NATO yêu cầu chúng tôi nhượng bộ một số điều”.
Cũng theo ông Ryabkov, việc Nga đình chỉ nhưng không rời khỏi CFE vào năm 2007 là do Moscow muốn bỏ ngỏ khả năng khôi phục thỏa thuận kiểm soát vũ khí ở châu Âu.
“Các nước phương Tây đã có quá đủ thời gian để thể hiện lẽ phải. Nhưng họ muốn đi theo con đường mở rộng NATO hơn nữa, và đối đầu với Nga”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói.
Cũng theo ông Ryabkov, việc Thụy Điển và Phần Lan thúc đẩy gia nhập NATO trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine, khiến Mỹ có thể triển khai quân tới biên giới Nga, đã khiến Moscow không thể tiếp tục là một phần của CFE.
Khi được hỏi liệu việc Nga rút khỏi CFE có ảnh hưởng xấu đến an ninh ở châu Âu hay không, ông Ryabkov đã bác bỏ quan điểm này.
"An ninh đã bị xói mòn bởi các hành động thù địch của các nước NATO và đối tác của họ đối với chúng tôi. CFE đã không thực sự hoạt động trong nhiều năm, do đó việc chúng tôi rút khỏi không thể làm tình hình tồi tệ hơn”, ông Ryabkov nhấn mạnh.
“Do hoàn cảnh đã thay đổi, CFE mâu thuẫn với lợi ích an ninh của Nga”, ông Ryabkov nói thêm.
Hồi tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin đã đệ trình lên Quốc hội Nga dự luật rút khỏi hiệp ước CFE, và chỉ định Thứ trưởng Ryabkov là người giám sát tiến trình rút khỏi CFE.
Hiệp ước CFE được ký kết giữa 16 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 6 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Warsaw vào năm 1990 nhằm giảm căng thẳng giữa hai khối khi đặt ra giới hạn về số lượng xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, trực thăng và máy bay đồn trú ở châu Âu.
Vào năm 2007, Nga tuyên bố đình chỉ một phần CFE. Tới năm 2015, Moscow đã rút hoàn toàn khỏi các cơ chế của CFE.