Hãng tin Reuters và RT dẫn thông báo của cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết: "Thỏa thuận đáp ứng lợi ích của Nga và Mỹ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển hợp tác trong khuôn khổ chương trình ISS".
Cả Roscosmos và cơ quan vũ trụ Mỹ NASA hôm qua (15/7) xác nhận rằng họ đã nhất trí về cái gọi là "chuyến bay tích hợp". Mục tiêu cuối cùng của thỏa thuận là đảm bảo có ít nhất một nhà du hành vũ trụ Mỹ và một phi hành gia Nga có mặt ở ISS để duy trì các phần của trạm này.
Theo thỏa thuận, các phi hành gia Nga sẽ bay trên tàu vũ trụ do Mỹ sản xuất và đổi lại, các phi hành gia Mỹ có thể đi trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga.
Chuyến bay chung đầu tiên theo thỏa thuận mới sẽ diễn ra vào tháng 9, NASA cho biết. Khi đó, phi hành gia người Mỹ - Frank Rubio cùng với các nhà du hành vũ trụ Nga Sergey Prokopyev và Dmitry Petelin sẽ dùng tàu Nga để lên ISS. Một sứ mệnh khác, dự kiến diễn ra vào mùa thu, trong đó nữ phi hành gia Nga Anna Kikina sẽ bay cùng hai phi hành gia Mỹ và một nhà du hành vũ trụ người Nhật lên ISS bằng tàu vũ trụ Dragon.
Trước đây, NASA và Roscosmos từng có các chuyến bay chung. Tuy nhiên, khi tàu con thoi ngừng hoạt động vào năm 2011, Mỹ dựa vào tàu Soyuz của Nga để đưa các phi hành gia lên trạm vũ trụ. Tới năm 2020, tàu viên nang Crew Dragon của SpaceX mới khôi phục khả năng đưa con người bay vào vũ trụ của NASA và bắt đầu các chuyến bay thường lệ tới ISS từ Florida.
Cho tới giờ, Mỹ và Nga vẫn cùng quản lý ISS và sự hợp tác giữa hai nước trong các chương trình liên quan đến vũ trụ vẫn được duy trì ổn định mặc dù giữa hai bên còn nhiều bất đồng.
Ngay sau khi thỏa thuận về chuyến bay chung được công bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thay thế người đứng đầu Roscosmos. Theo đó, ông Yuri Borisov, cựu Phó Thủ tướng đồng thời là Thứ trưởng Quốc phòng được bổ nhiệm thay ông Dmitry Rogozin.