Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moscow hôm 18/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã đề cập đến quan điểm của nước này về việc mở rộng BRICS hơn nữa.

BRICS.jpg

“Đối với chúng tôi, một trong những tiêu chí quan trọng để được gia nhập BRICS và chào đón các quốc gia đối tác là không tham gia vào các chính sách trừng phạt bất hợp pháp, các biện pháp hạn chế bất hợp pháp đối với bất kỳ thành viên BRICS nào, tất nhiên trước hết là chống lại Nga”, ông Ryabkov nói.

Nhà ngoại giao cấp cao Nga tiết lộ, lập trường trên đã nhận được “sự thấu hiểu đầy đủ” của các nước thành viên BRICS khác. Ông Ryabkov nhấn mạnh, Moscow hy vọng quan điểm như vậy sẽ duy trì được “bản chất cốt lõi” khi nhóm phát triển trong tương lai.

Đài RT dẫn lời ông Ryabkov lưu ý thêm, việc BRICS sẽ phát triển và tìm ra những hình thức mới với các đối tác cũng như việc mở rộng của nhóm “không có gì phải bàn cãi”. Quan chức này đồng thời cho biết, 10 quốc gia thành viên hiện tại của nhóm đã “điều chỉnh” để thích nghi với nhau và đang hành động như “một đội”.

BRICS được thành lập năm 2006 và ban đầu chỉ gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đầu năm nay, nhóm đã kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) nhưng vẫn giữ nguyên tên cũ.

Nhóm BRICS mở rộng hiện chiếm khoảng 30% nền kinh tế toàn cầu và 45% tổng dân số thế giới. Nhóm cũng chiếm hơn 40% sản lượng dầu của thế giới. Nhiều quốc gia đã bày tỏ mong muốn được trở thành thành viên của BRICS, gần đây nhất là Malaysia.

Malaysia công khai ý định xin gia nhập BRICS

Malaysia công khai ý định xin gia nhập BRICS

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo, nước này đã quyết định xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và sẽ sớm gửi đơn chính thức.