Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Kiev cần có những động thái có ý nghĩa trước khi bất kỳ cuộc đàm phán quan trọng nào diễn ra.
Theo hãng tin RT, Ukraine từng đe dọa sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình và thề sẽ giành lại bất kỳ lãnh thổ nào đang chịu sự kiểm soát của Nga ngay lập tức với sự trợ giúp của vũ khí từ phương Tây.
Khi được hỏi về khả năng đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn Nga và Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko nói, các điều kiện vẫn chưa được đưa ra. "Ngay sau khi chúng ta có những thỏa thuận có ý nghĩa để có thể tổ chức một cuộc trao đổi quan điểm thực chất, thì khi đó vấn đề này sẽ được xem xét. Một điều như vậy vẫn chưa tồn tại", ông Rudenko nói với các phóng viên.
Phái đoàn của Nga và Ukraine gặp nhau lần cuối tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29/3. Theo Ngoại trưởng Sergei Lavrov, các tài liệu Ukraine gửi cho Nga đã chệch hướng khỏi những gì hai bên nhất trí trước đó. Nhà ngoại giao Nga cáo buộc Kiev không có thiện chí đàm phán.
Moscow cảnh báo nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ 3
Hãng tin Reuters, RT và tờ The Guardian đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, các cuộc hòa đàm giữa Moscow và Kiev sẽ tiếp tục nhưng vẫn có nguy cơ thực sự về một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Ông Lavrov chỉ trích cách tiếp cận của Tổng thống Ukraine Zelensky với các cuộc hòa đàm, cáo buộc nhà lãnh đạo này giả vờ đàm phán và gọi ông Zelensky là "diễn viên giỏi". "Thiện chí cũng có giới hạn của nó. Nếu không có đi có lại, điều đó không giúp ích gì cho tiến trình thương thuyết. Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục tham gia đàm phán với nhóm được ông Zelensky ủy nhiệm".
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng nhắc nhở rằng thế giới không nên đánh giá thấp những rủi ro đáng kể của chiến tranh hạt nhân mà Moscow đang muốn giảm bớt. Moscow cũng cảnh báo, các vũ khí thông thường của phương Tây là mục tiêu hợp pháp của Nga ở Ukraine. "Mối nguy hiện nay rất lớn", Ngoại trưởng Lavrov nói. "Tôi không muốn nâng cao những rủi ro đó. Mối nguy đó rất nghiêm trọng và chúng ta không được đánh giá thấp nó".
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã trục xuất 40 nhân viên ngoại giao Đức để trả đũa việc Berlin có hành động tương tự với các nhà ngoại giao Nga.
Thống kê tổn thất của Nga từ đầu cuộc chiến
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace chiều qua (25/4) cho biết, khoảng 15.000 lính Nga đã thiệt mạng kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/2. Phát biểu trước Quốc hội Anh, ông Wallace nói thêm, bên cạnh thương vong về người, có 2.000 xe bọc thép của Nga bị phá hủy hoặc bị thu giữ, trong đó có 530 xe tăng. Nga được cho là đã mất hơn 60 trực thăng và chiến đấu cơ.
Ông Wallace cũng xác nhận, Anh sẽ gửi một lượng nhỏ các xe phóng tên lửa Stormer tới Ukraine và viện trợ của London cho Kiev có thể tăng tới 500 triệu Bảng. Anh đã gửi 5.361 vũ khí chống xe tăng hạng nhẹ, 200 tên lửa tự dẫn Javelin cho Ukraine và sẽ tiếp tục cung cấp cho quốc gia này 250 tên lửa đối không Starstreak.
Các diễn biến đáng chú ý khác:
- Thụy Điển và Phần Lan đã nhất trí cùng nộp đơn đăng ký trở thành thành viên của NATO sớm nhất là vào giữa tháng này, báo Iltalehti của Phần Lan và tờ Express của Thụy Điển hôm qua đưa tin. Dù siết chặt hợp tác với NATO kể từ khi Nga sáp nhập Crưm, song hai nước Bắc Âu này vẫn lựa chọn đứng ngoài liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, cuộc tấn công Ukraine của Nga đã buộc hai nước xem xét lại quan điểm trung lập quân sự bấy lâu nay có còn là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh quốc gia nữa không.
- Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 25/4 tuyên bố, nước này đã cung cấp cho Ukraine một số xe tăng, song ông không nói rõ số hiệu hay loại xe tăng. Như vậy, Ba Lan là nước thành viên NATO thứ ba, tiếp sau Slovakia và Cộng hòa Czech trang bị cho Ukraine xe tăng.
- Bộ Quốc phòng Ukraine cáo buộc, vụ pháo kích nhằm vào một tòa nhà chính phủ ở vùng ly khai Transnistria của Moldova là "sự khiêu khích có kế hoạch" của Nga nhằm kích động tâm lý hoang mang và chống Ukraine.
Hoài Linh