Chia sẻ với hãng thông tấn RIA Novosti hôm 22/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay bà không ngạc nhiên trước tuyên bố của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
“Chính quyền Ba Lan từ lâu đã không giấu diếm tham vọng ‘xích lại gần’ các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ đồn trú ở châu Âu”, bà Zakharova nói thêm, Warsaw muốn những vũ khí này đóng vai trò nhất định trong “chính sách thù địch chống lại Nga”.
“Không khó để cho rằng nếu vũ khí hạt nhân của Mỹ xuất hiện trên lãnh thổ Ba Lan, các cơ sở liên quan sẽ ngay lập tức bị liệt vào danh sách mục tiêu hợp pháp trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với NATO”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng khẳng định, Nga sẽ thực hiện mọi biện pháp thích hợp, nếu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan.
Theo ông Peskov, nếu Mỹ thực sự đặt vũ khí ở Ba Lan, quân đội Nga sẽ phân tích thực tế mới về việc vũ khí hạt nhân được đưa tới gần hơn lãnh thổ quốc gia.
“Trong mọi trường hợp, quân đội Nga sẽ thực hiện mọi biện pháp đối phó cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia”, ông Peskov nói.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Fakt của Ba Lan hôm 22/4, Tổng thống Duda thừa nhận vấn đề đưa vũ khí hạt nhân của Mỹ đến Ba Lan “là chủ đề trong các cuộc đàm phán được một thời gian”, và Warsaw sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Mỹ hiện triển khai vũ khí hạt nhân tại 5 nước thành viên NATO ở Đại Tây Dương là Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nói về lý do Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ, ông Duda cho hay là vì “Nga đang gia tăng quân sự hóa” vùng đất Kaliningrad giáp Ba Lan và Lithuania. Ông nói thêm, Nga cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.
Nga nhiều lần khẳng định chưa bao giờ đe dọa sử dụng kho vũ khí hạt nhân quốc gia, và nhấn mạnh không bao giờ được phép xảy ra một cuộc chiến hạt nhân. Tuy nhiên, hồi tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin có tuyên bố ám chỉ việc Moscow đã sẵn sàng cho một kịch bản như vậy “từ quan điểm quân sự và kỹ thuật”.