Phát biểu tại cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) ở Kazakhstan hôm 31/5, ông Belousov tuyên bố, quân đội Nga tiếp tục “làm giảm năng lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang Ukraine một cách có hệ thống”.
Đài RT dẫn lời lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga nói, trong tháng 5, ngoài việc mất lượng lớn quân, Kiev còn bị phá hủy hơn 2.700 khí tài hạng nặng, trong đó có 290 xe tăng và các xe chiến đấu bọc thép, bao gồm cả 4 xe tăng Abram và 12 xe thiết giáp Bradley do Mỹ sản xuất, 7 xe tăng Leopard do Đức chế tạo.
Ông Belousov thống kê thêm, đối phương còn mất 11 máy bay, 4 trực thăng cùng khoảng 730 khẩu pháo dã chiến và hệ thống tên lửa phóng loạt. Theo quan chức này, trong cùng khoảng thời gian, quân Nga đã bắn chặn hơn 1.000 máy bay không người lái (UAV), hơn 250 tên lửa HIMARS và Vampire, 80 quả bom dẫn đường Hammer, 50 tên lửa ATACMS và 8 tên lửa hành trình SCALP.
Ông Belousov quả quyết, bất chấp những nỗ lực của Kiev, binh lính Nga vẫn tiếp tục giành quyền kiểm soát các khu vực mới và đang thực hiện các bước để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như hoàn thành mọi mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
EU muốn tăng trừng phạt Moscow
Tạp chí Financial Times hôm 31/5 đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Nga, trị giá lên tới 42 tỷ Euro (46 tỷ USD) lâu nay vẫn được miễn trừ khỏi chế độ trừng phạt của khối.
Dù đã đình chỉ hầu hết hoạt động thương mại với Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine nhưng EU hiện vẫn cho phép nhập khẩu một số mặt hàng từ xứ sở bạch dương vì không có nguồn cung thay thế hoặc do lo ngại về sự gián đoạn thị trường toàn cầu.
Theo Financial Times, các bộ trưởng thương mại EU hôm 30/5 đã yêu cầu Ủy ban châu Âu xây dựng kế hoạch áp thuế đối với thực phẩm, nhiên liệu hạt nhân và thuốc nhập khẩu nhằm tăng cường trừng phạt Moscow. Họ đã nhất trí thông qua quy định tăng thuế nhập khẩu đối với ngũ cốc của Nga và Belarus ở mức 95 Euro/tấn kể từ ngày 1/7. Tạp chí Anh đánh giá mức thuế này rất cao, gần tương đương lệnh cấm nhập khẩu.
Phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó cáo buộc việc áp thuế đối với ngũ cốc của Nga là ví dụ về “sự cạnh tranh không lành mạnh”. Ông lập luận, biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng EU, trong khi Moscow sẽ sử dụng các tuyến cung ứng thay thế.