Phát biểu tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại gia Nga Ivan Nechaev cho biết, vũ khí hạt nhân chỉ được dùng như một biện pháp đáp trả. "Học thuyết quân sự của Nga chỉ cho phép đáp trả bằng hạt nhân khi đứng trước mối nguy xuất phát từ vũ khí hủy diệt hàng loạt và khi sự tồn tại của đất nước bị đe dọa. Nghĩa là việc sử dụng kho vũ khí hạt nhân chỉ có thể thực hiện như một phần của phản ứng chống lại một cuộc tấn công nhằm mục đích tự vệ và trong trường hợp khẩn cấp".
Theo hãng tin Reuters, trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng cho biết, Moscow không cần sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông nói, những đồn đoán của giới truyền thông về việc Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân hoặc hóa học trong cuộc xung đột là hoàn toàn dối trá.
Trong cuộc họp báo mới diễn ra, Bộ Ngoại giao Nga xác nhận đang tiến hành ngoại giao lặng lẽ với Mỹ về vụ trao đổi tù nhân, liên quan tới ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner. Grinner, từng hai lần đoạt huy chương vàng Olympic, bị kết án 9 năm tù ở Nga vì các tội danh liên quan tới chất gây nghiện. Washington đã đề xuất trao đổi trùm buôn vũ khí người Nga Viktor Bout với Griner và cựu lính thủy đánh bộ Paul Whelan.
Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cũng cho biết, đã triển khai ba chiến đấu cơ được trang bị tên lửa siêu vượt âm tới Kaliningrad. "Ba chiếc MiG-31 với tên lửa siêu vượt âm Kinzhai đã được điều tới vùng Kaliningrad như một phần của các biện pháp răn đe chiến lược bổ sung". Trước đây, cơ quan này đã giải thích rằng tên lửa Kinzhai là vô hình và bất khả xâm phạm đối với bất kỳ phương tiện phòng không và phòng thủ tên lửa nào của kẻ thù.
Nga sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhai để tham chiến lần đầu tiên vào giữa tháng 3. Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây cho rằng tên lửa này không thực sự đáng sợ. Bộ Quốc phòng Anh cho biết, tên lửa Kinzhai chỉ là phiên bản của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander được phóng từ trên không, loại tên lửa mà Nga liên tục sử dụng trong chiến dịch tại Ukraine.