Theo Pravda, trong ngày 12/10 (giờ địa phương), Trung tâm Bản đồ Nga đã bắt đầu phát hành các bản đồ bao gồm 4 vùng lãnh thổ mới được sáp nhập. Hiện tại, loại bản đồ này sẽ chỉ được lưu hành hạn chế tại thủ đô Moscow.
Nguồn tin của truyền thông Nga cho biết, bản đồ này được xuất bản dựa trên thông tin từ Rosreestr, đây là cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ công liên quan đến đăng ký quyền sở hữu đất đai, đăng ký địa chính. Điện Kremlin chưa đưa ra bình luận nào về loại bản đồ mới được phát hành này.
Trước đó, vào ngày 5/10, Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ly khai Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia. Đây là thủ tục cuối cùng để hoàn tất việc đưa những khu vực kể trên trở thành lãnh thổ Nga, sau các cuộc chưng cầu dân ý. Tuy vậy, Nga chưa kiểm soát hoàn toàn bất kỳ vùng lãnh thổ mới sáp nhập nào.
Khi nhận được câu hỏi về sự nhất quán giữa tuyên bố của giới chức Nga với tình hình chiến sự vẫn đang xảy ra, Điện Kremlin khẳng định không có sự mẫu thuẫn.
"Không có mâu thuẫn nào trong những thông báo của Moscow, những vùng lãnh thổ đó mãi mãi là của chúng ta. Đã có những khu vực trở về và chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn người dân về nguyện vọng chung sống với Nga", ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết.
Cũng liên quan tới vấn đề Nga và Ukraine, ngày 10 và 12/10, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) tiếp tục họp phiên khẩn cấp về tình hình Ukraine. Đại hội đồng sau đó đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi các quốc gia trên thế giới không công nhận việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định Việt Nam theo dõi sát và đặc biệt quan ngại trước các diễn biến gần đây tại Ukraine, nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có viêc không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế, và đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Đại sứ nhấn mạnh xuất phát từ lịch sử phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh để giành độc lập, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình và phẩn đối mọi hành vi đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Do đó, Việt Nam tiếp tục kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu, kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và triệt để tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, tính tới lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Việt Nam cũng hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực ngoại giao giúp giảm thiểu căng thẳng, trong đó có nỗ lực của Tổng Thư ký LHQ và các bên liên quan khác và bày tỏ sẵn sàng đóng góp tích cực cho các nỗ lực ngoại giao và quá trình tái thiết, phục hồi tại Ukraine.
Việt Dũng