Phía sau lời mời chào mật ngọt việc nhẹ lương cao là hàng loạt câu chuyện đau lòng của những nạn nhân sập bẫy, bị các đường dây buôn người bán vào sòng bài, bị hành hạ, tra tấn. Nhiều gia đình phải gửi tiền để chuộc người thân nhưng cũng có trường hợp bỏ mạng ở xứ người...
Khi đi trai tráng
Dù đã chôn cất con gần một tháng nhưng trong căn nhà cấp bốn của vợ chồng ông Lô Văn Tẳm vẫn bao trùm cảnh tang thương. Hàng ngày người dân trong xóm vẫn qua lại thăm hỏi, động viên khiến ông bà càng thêm nhớ con.
Lô Văn Quý (SN 2004) là con trai duy nhất của vợ chồng ông Tẳm (SN 1947) và bà Ngân Thị Hải (SN 1962). Gia đình ông Tẳm thuộc diện hộ nghèo của xã. Quý vốn là một đứa ngoan hiền. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên em chỉ học hết lớp 11.
Những ngày Quý ở nhà, em thường ra đồng giúp mẹ. Thời gian rảnh rỗi, ai thuê đi làm việc gì em cũng đi để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Ông Tẳm kể, khoảng trung tuần tháng 11/2022, vào buổi sáng sớm trước khi vợ chồng ông đi làm đồng, Quý có nói với bố mẹ là cho con đi làm cùng với bạn. Cũng chỉ nghĩ con xin như vậy, ai ngờ buổi trưa vợ chồng ông Tẳm đi làm về thì đứa con trai đã rời khỏi nhà từ lúc nào không hay.
“Nhà tôi chỉ trông chờ vào hơn 1 sào ruộng lúa. Khi nghe con nói đi làm cùng với bạn, bản thân vợ chồng tôi vui lắm. Vui vì con có công ăn việc làm, có thu nhập giúp gia đình.
Buổi ra đồng hôm đó, vợ chồng còn bàn tính, hôm nào con đi sẽ làm thịt con gà, làm mâm cơm ăn cùng con để đưa chân con đi làm cho suôn sẻ. Nào ngờ, ngày nó đi cũng là ngày vợ chồng tôi mất liên lạc với con”, ông Tẳm kể lại.
Từ ngày mất liên lạc với con, đêm nào vợ chồng ông cũng ngóng tin tức, nhưng càng ngóng càng biệt vô âm tín. Bà Hải nhớ con đến nỗi chẳng đêm nào yên giấc. Mỗi lúc như vậy ông Tẳm lại phải trấn an rằng “chắc con đi làm chỗ họ không cho dùng điện thoại” để vợ yên tâm.
Cha mẹ già chết lặng
Sau hơn 2 tháng mất liên lạc, đúng ngày 3/1/2023 (tức ngày 12 tháng Chạp) gia đình ông Tẳm bàng hoàng nhận hung tin con trai mình xuất cảnh trái phép sang Campuchia và đã tử vong, ông bà như chết lặng.
Để đưa được con về nước chôn cất, gia đình ông phải nhờ đến các cấp chính quyền, đồng thời phải vay mượn hơn 100 triệu lo liệu. Ngày đưa hài cốt Quý về tới nhà cũng là ngày 24 tháng Chạp.
“Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con duy nhất. Khi con đi vợ chồng tôi không thấy mặt nó, giờ đón về chỉ còn lại hài cốt”, ông Tẳm nói trong nước mắt.
Từ ngày đưa con về chôn cất, đến nay chẳng đêm nào ông Tẳm ngủ được. Khuôn mặt gầy guộc, đôi mắt sâu hoắm hiện hữu trên khuôn mặt người cha khắc khổ.
Ông bảo, đến bây giờ ông vẫn chưa thể tin nổi con mình đã chết. Mỗi lúc nhìn vào di ảnh con, nước mắt ông lại tuôn trào. Ngày lại ngày, ông thẫn thờ ngoài sân, không dám vào trong nhà, vì sợ phải đối diện với di ảnh của con.
“Tưởng nó đi làm với bạn ở trong nước, ai ngờ bị lừa vượt biên trái phép sang Campuchia rồi chết, giờ để lại vợ chồng già chúng tôi phải đau đớn như thế này. Quá thương con, nhiều lúc bà nhà tôi lại khóc nức nở gọi tên nó rồi lao tới bàn thờ ôm di ảnh bảo con tôi chưa chết, nó đang đi làm ăn xa”, ông Tẳm buồn bã nói.
Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn có 2.681 người cư trú, lao động trái phép ở nước ngoài, trong đó có 222 người tại Campuchia.
Điểm chung của những người bị lôi kéo xuất cảnh trái phép đi làm việc tại Campuchia và Lào là đều bị các đối tượng tiếp cận trên không gian mạng, đưa ra những điều kiện lý tưởng để lôi kéo. Sau khi đưa người qua biên giới, người lao động sẽ bị bán vào các sòng bài hoặc cơ sở phi pháp trá hình.
Khi bị bán vào làm việc tại các casino, nạn nhân mới té ngửa mình bị lừa, phải làm việc từ 9h đến 23h, thậm chí đến 2-3h sáng. Có gia đình sau đó phải vay mượn cả trăm triệu để chuộc con.