Phát biểu trên truyền hình Ukraine, Thống đốc Sumy Dmytro Zhyvytskyi hôm nay (4/4) thông báo hầu hết các lực lượng của Nga đã rút khỏi tỉnh nằm sát biên giới Ukraine-Belarus này. Ông cũng cho biết, quân đội Ukraine đang chiến đấu để đẩy lùi các đơn vị còn lại của Nga và các binh sĩ Nga đã bỏ lại rất nhiều trang thiết bị.

{keywords}
Một phương tiện cơ giới của Nga bị bắn cháy ở thành phố Trostyanets, tỉnh Suny hôm 2/4. Ảnh: Zuma Press

Quân Nga cũng được cho là đã rút phần lớn lực lượng khỏi Chernihiv, một tỉnh khác nằm ở phía bắc Ukraine. Tuy nhiên, Thống đốc Chernihiv Viacheslav Chaus cho biết một số lượng không xác định lính Nga vẫn còn trụ lại một số khu vực của tỉnh này sau khi rút khỏi thành phố Chernihiv.

Trong khi đó, hãng thông tấn Sputnik, dẫn lời Eduard Basurin, người phát ngôn lực lượng vũ trang khu vực ly khai ở tỉnh Donetsk miền đông Ukraine, cùng ngày đưa tin lực lượng này đã giành quyền kiểm soát trung tâm thành phố cảng chiến lược Mariupol. Ông Basurin cho biết thêm, phe ly khai vẫn đang tiếp tục các hoạt động quân sự nhằm kiểm soát cảng biển và các khu công nghiệp của thành phố.

Mariupol, thành phố cảng có vị trí chiến lược ở miền nam Ukraine, bị các lực lượng Nga vây hãm và tấn công dữ dội suốt cả tháng qua. 

Cũng trong ngày 4/4, Jason Straziuso - người phát ngôn của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), nói với hãng thông tấn Reuters rằng nỗ lực mới nhất để cung cấp viện trợ và sơ tán dân thường khỏi Mariupol đã bị cản trở bởi "các điều kiện an ninh" trong khu vực. Một số nỗ lực trước đó của ICRC nhằm tiếp cận Mariupol trong những ngày và tuần gần đây cũng không thành công.

Mỹ muốn loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Phát biểu ngày hôm nay (4/4), Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền vì cáo buộc 'sát hại dân thường' tại Ukraine.

"Để Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền là sai lầm. Chúng tôi tin rằng đã tới lúc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu loại Nga khỏi cơ quan này", bà Thomas-Greenfield tuyên bố.

Từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua 2 nghị quyết lên án Nga với ít nhất 140 phiếu thuận. Tuy nhiên, để loại một quốc gia khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cần 2/3 số phiếu thuận của 193 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Nga đang ở năm thứ 2 trong nhiệm kỳ 3 năm của nước này tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Nga bác cáo buộc của Ukraine

Trong cuộc hội đàm với Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths hôm nay (4/4), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ những cáo buộc của Ukraine rằng các lực lượng của Moscow đã thực hiện những hành vi bạo lực đối với dân thường ở Bucha, và gọi những tuyên bố của Kiev là một "hành động khiêu khích chống Nga đã được dàn dựng".

Ngoại trưởng Lavrov cũng cho rằng, những cáo buộc từ phía Ukraine là “mối đe dọa trực tiếp đối với hòa bình và an ninh toàn cầu”. Nga sẽ thúc đẩy nỗ lực triệu tập Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau khi yêu cầu mở cuộc họp khẩn trước đó đã bị từ chối bởi Anh, quốc gia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của hội đồng.

Việt Anh

Tổng thống Ukraine bất ngờ 'xuất hiện' tại lễ trao giải Grammy

Tổng thống Ukraine bất ngờ 'xuất hiện' tại lễ trao giải Grammy

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã gây bất ngờ tại lễ trao giải Grammy hôm 3/4 khi xuất hiện trong một đoạn video được ghi sẵn, để kêu gọi sự ủng hộ từ giới nghệ sĩ đối với Ukraine.

Cảnh tàn khốc ở thị trấn Ukraine sau khi xung đột kết thúc

Cảnh tàn khốc ở thị trấn Ukraine sau khi xung đột kết thúc

Video và ảnh chụp từ Bucha, một thị trấn ở phía tây bắc của thủ đô Kiev, Ukraine cho thấy nhiều thi thể vẫn còn nằm trên đường phố.