
Theo hãng tin RT, đây là tuyên bố hôm 11/2 của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR). SVR cho hay với sự hỗ trợ của phương Tây, Kiev có kế hoạch sử dụng thủy lôi do Nga sản xuất để dàn dựng một vụ nổ liên quan đến tàu nước ngoài ở biển Baltic. Mục đích là đổ lỗi cho Nga, và thúc giục NATO hạn chế quyền tiếp cận của Nga ở biển Baltic với lý do đảm bảo an ninh hàng hải.
SVR còn nghi ngờ Tổng cục tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) đã phối hợp với các cơ quan tình báo từ một số nước châu Âu để lên kế hoạch tấn công những nhân vật "đối lập phi hệ thống" của Nga, cũng như các doanh nhân đang cư trú ở nước ngoài.

Kế hoạch này được cho liên quan đến việc tuyển dụng những kẻ phạm tội từ các nước châu Á và Trung Đông, sau đó chi trả 20.000 USD cho các đối tượng tham gia. Họ còn được hướng dẫn đổ lỗi cho các cơ quan tình báo Nga nếu như không may bị bắt giữ.
Trên thực tế trong những tháng gần đây, các cơ quan an ninh Nga đã nhiều lần thông báo về việc bắt các điệp viên Ukraine được giao nhiệm vụ tấn công những người nổi tiếng.
SVR cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các cộng sự sẵn sàng dùng những hành động khiêu khích để bảo vệ chức vụ. Bởi ông Zelensky vẫn tại vị, mặc dù nhiệm kỳ tổng thống của ông đã hết hạn vào tháng 5/2024. Ông cũng từ chối từ chức, và khẳng định chưa thể tổ chức bầu cử do nước này vẫn đang trong tình trạng thiết quân luật kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.
Trong những năm gần đây, NATO đã tăng cường hoạt động quân sự ở dọc biên giới Đông Âu với lý do lo ngại Nga gây bất ổn an ninh. Hồi tháng 1, NATO đã công bố kế hoạch mở rộng sự hiện diện ở biển Baltic, triển khai một nhiệm vụ mới nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước sau loạt sự cố gây gián đoạn và hư hại đối với các tuyến cáp giữa các quốc gia thành viên trong liên minh quân sự.
Nga xem biển Baltic là khu vực chiến lược cho các hoạt động hải quân, và xuất khẩu năng lượng. Moscow tuyên bố sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ lợi ích ở vùng biển này. Moscow cũng nhấn mạnh không có ý định tấn công bất kỳ quốc gia thành viên nào của NATO, và cảnh báo hành động đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO có thể leo thang thành xung đột hạt nhân.


Nga sắp cạn vũ khí, khó tạo đột phá trên tiền tuyến Ukraine?
