Theo RT, trong ngày 25/5, giới chức Nga đã cáo buộc Ukraine thực hiện nhiều đợt tập kích UAV và pháo kích tại thành phố Belgorod và nhiều khu định cư ở biên giới. Lực lượng phòng không Nga đã đánh chặn hơn 40 phương tiện của đối thủ, nhưng vụ việc vẫn gây ra thương vong và thiệt hại đáng kể.
"Đã có 4 người chết trong cuộc tập kích. 3 người trong số này thiệt mạng vì một đợt pháo kích ở Oktyabrsky, trong khi 1 người khác thiệt mạng ở làng Dubovoye", Thống đốc Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết.
Cũng theo ông Gladkov, số người bị thương trong vụ việc đã lên tới con số 16, bao gồm 2 trẻ em. "Một bé trai 8 tuổi bi thương vì đạn pháo ở Oktyabrsky, trong khi một cô bé 9 tuổi bị thương khi UAV của đối thủ đánh trúng đường cao tốc tại Volokonovsky", ông Gladkov nói.
Cùng ngày, phía Ukraine cũng cáo buộc Nga đánh bom 1 siêu thị ở Kharkiv, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 24 người bị thương.
"Đối thủ đã dùng 2 quả bom dẫn đường để tấn công siêu thị, gây ra một đám cháy bao phủ diện tích 15.000 m2. Có rất nhiều người đang mất tích", Tỉnh trưởng Kharkiv Oleg Synegubov nói.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky tiết lộ rằng có hơn 200 người ở bên trong siêu thị khi vụ tập kích xảy ra. "Đây là vụ tấn công nhắm vào một cơ sở dân sự ngay giữa ban ngày", ông Zelensky chỉ trích.
Ukraine bắn hạ thêm máy bay Su-25
Theo Pravda, trong ngày 25/5, quân đội Ukraine đã thông báo về việc bắn hạ 1 cường kích Su-25 của Nga tại vùng Donetsk. Đoạn video ghi lại quá trình này cũng được công bố sau đó.
Máy bay Su-25 của Nga bị Ukraine bắn hạ. Video: Pravda
"Đã có thêm 1 máy bay Su-25 của đối thủ bị bắn hạ bởi Lữ đoàn Cơ giới số 110 tại Donetsk. Tính từ đầu tháng 5, Nga đã tổn thất tổng cộng 7 máy bay loại này", phía Ukraine cho biết.
Hungary muốn ngăn EU chuyển tài sản đóng băng Nga cho Ukraine
Theo RT, hãng tin Financial Times (FT) mới đây đã tiết lộ về việc chính phủ Hungary phản đối EU chuyển lợi nhuận thu được từ tài sản đóng băng của Nga cho Ukraine.
"Hiện tại, phía Hungary muốn ngăn chặn mọi thứ liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraine. Họ nhấn mạnh rằng số tiền thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga có thể được sử dụng vào bất cứ mục đích gì, trừ mua vũ khí cho Kiev", nguồn tin của FT cho biết.
Dù là thành viên NATO, nhưng Hungary đã duy trì quan điểm trung lập kể từ khi xung đột nổ ra. Budapest từ chối cung cấp vũ khí cho Kiev, đồng thời phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào EU.