BBC đưa tin, HĐBA hôm nay (22/3) đã nhóm họp ở New York để tiến hành bỏ phiếu phê duyệt đề xuất nghị quyết do Mỹ soạn thảo về giải pháp cho cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Theo Reuters, dự thảo nghị quyết này kêu gọi Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas thực hiện "một lệnh ngừng bắn ngay lập tức", kéo dài khoảng 6 tuần để tạo điều kiện cho trao đổi con tin – tù nhân, đồng thời bảo vệ dân thường và cho phép các chuyến hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza.
Nghị quyết đánh dấu sự cứng rắn hơn nữa trong lập trường của Mỹ đối với Israel. Trước đó, trong cuộc xung đột kéo dài suốt 5 tháng qua, Washington đã tránh dùng từ “ngừng bắn” và bác bỏ các đề xuất kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.
Phát biểu tại cuộc họp của HĐBA ngày 22/3, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield hối thúc các nước thành viên bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết mới của Washington.
"Mỹ, Ai Cập và Qatar đang làm việc suốt ngày đêm trong khu vực để đảm bảo lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài như một phần của thỏa thuận dẫn tới việc trả tự do cho tất cả con tin đang bị Hamas và các nhóm khác bắt giữ, đồng thời giúp chúng ta giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc ở Gaza”, bà Thomas-Greenfield nói.
Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết của Mỹ rốt cuộc đã không được HĐBA phê chuẩn do chỉ có 11 nước bỏ phiếu ủng hộ, 3 nước gồm Nga, Trung Quốc và Algeria bỏ phiếu chống, Guyana bỏ phiếu trắng.
Các đại diện của Mỹ và Anh đã bày tỏ sự thất vọng với việc Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phủ quyết. Bà Thomas-Greenfield cáo buộc 2 nước này “đặt chính trị lên trên sự tiến bộ và muốn chứng kiến Mỹ thất bại”.
Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya đã khẳng định rõ sự phản đối của Moscow đối với đề xuất của Washington trước cả cuộc bỏ phiếu của HĐBA.
Ông Nebenzya lên án dự thảo nghị quyết của Mỹ là “đạo đức giả”, vì nước này đã không làm gì để kiềm chế Israel tấn công quân sự vào Dải Gaza, gây thương vong lớn cho người Palestine. Theo đại sứ Nga, đề xuất nghị quyết của Mỹ sẽ "đảm bảo quyền miễn trừ cho Israel khi những hành vi sai trái của binh lính nước này thậm chí không được đề cập đến trong dự thảo".