"Vào ngày 23/6, một nhà kho chứa tên lửa hành trình Storm Shadow đã bị phá hủy tại căn cứ không quân của Ukraine gần làng Starokostyantyniv thuộc vùng Khmelnytskyi. Đây là hành động đáp trả cuộc tấn công nhằm vào cây cầu đường bộ bắc qua eo biển Chongar", Bộ Quốc phòng Nga thông báo hôm 24/6.
Trước đó, theo hãng tin Sputnik, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cáo buộc Ukraine đã lên kế hoạch tấn công bán đảo Crưm, và các vùng lãnh thổ khác bằng tên lửa hành trình HIMARS và Storm Shadow.
Hôm 11/5, Ukraine xác nhận đã nhận được lô tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow đầu tiên từ Anh. Tên lửa Storm Shadow có tầm bắn 250km. Anh yêu cầu Kiev chỉ sử dụng loại tên lửa này "trong lãnh thổ chủ quyền của Ukraine".
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng Ukraine đã vi phạm điều kiện mà Anh đưa ra. Theo Moscow, Ukraine đã dùng tên lửa Storm Shadow tấn công dẫn đến thương vong cho dân thường ở Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, nơi đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi tháng 9/2022.
Trạng thái hạt nhân của Nga không thay đổi
Chia sẻ với hãng tin CNN, hai quan chức Mỹ cho biết Washington không phát hiện bất cứ sự thay đổi nào về trạng thái hạt nhân của Nga, kể từ khi người đứng đầu công ty quân sự tư nhân Wagner Yevgeny Prigozhin bắt đầu cuộc nổi loạn thách thức Điện Kremlin.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, “Chúng tôi không thấy bất kỳ thay đổi nào trong việc bố trí lực lượng hạt nhân của Nga. Mỹ không có lý do gì để điều chỉnh lực lượng thông thường hoặc hạt nhân. Chúng tôi có các kênh liên lạc lâu đời với Nga về các vấn đề hạt nhân”.
Hồi đầu tháng Sáu, Tổng thống Vladimir Putin cho biết lô vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên của Nga đã được chuyển tới Belarus. Tổng thống Mỹ Joe Biden lúc đó đã lên tiếng chỉ trích, và gọi động thái của Nga là “hoàn toàn vô trách nhiệm”.
Mỹ vẫn tiếp tục theo dõi hoạt động hạt nhân của Nga trong suốt thời gian xảy ra xung đột ở Ukraine , dù trong năm nay Moscow đã đình chỉ tham gia New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân lâu đời duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, “Là một cường quốc hạt nhân, Nga có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì quyền chỉ huy, kiểm soát và giám sát các lực lượng hạt nhân của mình, và phải đảm bảo không có hành động nào gây nguy hiểm cho sự ổn định chiến lược”.
Quan chức Mỹ nói thêm, trong quá trình theo dõi tình hình ở Nga, sự hiện diện ngoại giao của Mỹ ở Nga vẫn không thay đổi.
“Đại sứ quán Mỹ ở Moscow vẫn mở cửa, chúng tôi liên lạc thường xuyên với đại sứ quán, và trạng thái hoạt động của đại sứ quán vẫn bình thường vào thời điểm này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.