CNN trích dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay, theo kết quả đàm phán, phía Ukraine hôm 8/1 đã trao trả 50 binh sĩ Nga bị họ bắt giữ.
Andriy Yermak, Chánh văn phòng tổng thống Ukraine cũng xác nhận, cùng ngày, 50 binh sĩ nước này từng bị các lực lượng Moscow bắt giữ, đã được phóng thích và trở về nhà.
“Chúng tôi đã trao đổi những người bị bắt tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, những người bảo vệ Mariupol, những người đến từ Donetsk, gần Bakhmut cũng như từ Kiev, Chernihiv, Kherson và các khu vực khác. Đây không phải là cuộc trao đổi cuối cùng. Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa tất cả những người của mình trở về và chúng tôi sẽ hoàn thành nó”, ông Yermak nói.
Đây là cuộc trao đổi tù binh thứ 36 giữa hai nước kể từ khi chiến sự bùng phát cuối tháng 2 năm ngoái. Nhà chức trách Ukraine thống kê, cho đến nay, 1.646 công dân nước này, gồm cả binh lính và dân thường, đã được trả tự do nhờ các cuộc trao đổi kiểu này.
Ukraine bác tin mất 600 lính ở Kramatorsk
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Nga ngày 8/1 thông báo mở đợt tấn công nhằm vào các vị trí của lực lượng Kiev ở thành phố Kramatorsk thuộc tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine. Động thái nhằm trả đũa vụ pháo kích hôm 1/1 của quân Ukraine vào trường dạy nghề ở thành phố Makiivka thuộc tỉnh Donetsk, nơi một trung đoàn Nga đóng quân, khiến 89 binh sĩ nước này thiệt mạng.
"Hơn 600 lính Ukraine đã thiệt mạng trong vụ tập kích tên lửa quy mô lớn vào các điểm đóng quân tạm thời ở Kramatorsk ", Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nhưng không công bố bằng chứng.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine đã bác bỏ thông tin trên. “Đây là một động thái khác trong chiến dịch tuyên truyền của Nga”, Serhiy Cherevaty, phát ngôn viên của quân đội Ukraine nói với BBC.
Thị trưởng Kramatorsk cũng quả quyết không có báo cáo về trường hợp bị thương nào trong các vụ tấn công của Nga vào thành phố cuối tuần qua.
Kiev tố Moscow muốn thỏa thuận hòa bình “kiểu Triều Tiên”
Cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức TSN, Aleksey Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine cáo buộc Nga muốn áp đặt một thỏa thuận ngừng bắn chia cắt các vùng đất của nước láng giềng, tương tự như cách bán đảo Triều Tiên bị chia cắt ngày nay.
Theo đài RT, ông Danilov có phát biểu trên sau khi Moscow nhắc lại khả năng tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình nếu Kiev công nhận những vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga.
Cuộc chiến Triều Tiên 1950 – 1953 kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn, chính thức coi vĩ tuyến 38 là biên giới thực tế giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
“Tôi biết chắc chắn rằng một trong những giải pháp họ (Nga) có thể đưa ra cho chúng tôi là ‘vĩ tuyến 38’”, ông Danilov nói. Quan chức này cho hay, Dmitry Kozak, Phó Chánh văn phòng Điện Kremlin đã trao đổi với các chính trị gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và “truyền tải thông điệp rằng Moscow sẵn sàng cho nhiều nhượng bộ nhằm công nhận hiện trạng và buộc Ukraine phải tham gia một thỏa thuận ngừng bắn nào đó”.
Giới chức Nga chưa lên tiếng phản hồi trước phát biểu của ông Danilov.